Hơn 10 triệu học sinh trung học phổ thông ở Trung Quốc hồi đầu tháng tham gia kỳ thi đại học có tên cao khảo, được mệnh danh là "kỳ thi khắc nghiệt nhất thế giới" bởi sự cạnh tranh rất khốc liệt. Kể từ năm 2016, những người gian lận trong kỳ thi này có thể bị xử lý hình sự.
Tại Trung Quốc, cao khảo được hầu hết người dân coi là kỳ thi quan trọng nhất, có thể tạo dựng hoặc phá vỡ tương lai của một người trẻ tuổi, đồng thời giúp thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.
Cao khảo, có nghĩa là bài kiểm tra ở mức độ cao, là tên viết tắt của Kỳ thi Tuyển sinh Đại học Quốc gia. Tất cả học sinh trung học phổ thông đều phải trải qua kỳ thi này để có cơ hội được nhận vào trường đại học. Kỳ thi đầu tiên theo quy chuẩn này được tổ chức vào năm 1952, nhưng 14 năm sau bị hoãn do cố chủ tịch Mao Trạch Đông yêu cầu thanh niên về vùng nông thôn để học tập.
Cuộc thi được khôi phục vào năm 1977 sau khi Cách mạng Văn hóa kết thúc. Việc giới hạn độ tuổi dự thi bị xóa bỏ từ năm 2001, giúp bất cứ ai có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông đều có thể tham gia. Số thí sinh dự thi cao khảo đạt kỷ lục vào năm 2008 với 10,5 triệu người.
Kỳ thi cao khảo gồm ba môn bắt buộc là Tiếng Trung, Toán và Tiếng Anh, cùng một bài thi tổ hợp phụ thuộc vào chuyên ngành mà thí sinh lựa chọn. Toàn bộ kỳ thi diễn ra trong 9 giờ, thường được tổ chức trong hai ngày 7/6 và 8/6. Trong một số trường hợp, học sinh dân tộc thiểu số phải làm bài thi bằng ngôn ngữ của mình vào ngày 9/6.
Kỳ thi được coi là "thời khắc then chốt" với học sinh Trung Quốc bởi điểm số sẽ quyết định việc các em có đỗ đại học hay không, có thể được nhận vào trường nào, từ đó định hình nghề nghiệp trong tương lai. Các thí sinh cố gắng làm tốt bài thi với hy vọng đỗ vào trường đại học chất lượng hơn, nơi những sinh viên tốt nghiệp có tương lai tươi sáng, địa vị, sự giàu có, thậm chí là quyền lực.
Với hầu hết người dân Trung Quốc, đặc biệt là những người xuất thân từ vùng nông thôn hoặc các gia đình nghèo khó, họ không còn cách nào khác ngoài đạt điểm cao trong kỳ thi cao khảo để tạo ra bước ngoặt cho cuộc đời.
"Đó là một con đường rất hẹp, nhưng là cách duy nhất giúp tôi rời khỏi vùng nông thôn và chuẩn bị bước ra thế giới", Yu Minhong, người sáng lập tổ chức giáo dục tư nhân New Oriental Education, cho biết. "Cao khảo mang tới nhiều cơ hội cho trẻ em, cả ở nông thôn và thành thị. Nếu không có nó, hàng triệu trẻ em tới từ nông thôn, bao gồm cả tôi, sẽ không có hy vọng nào".
Để đối mặt với kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời, các học sinh chỉ có một cách duy nhất là học hành chăm chỉ, tranh thủ ôn bài từng giờ phút. Nhiều học sinh còn hoàn thành chương trình trung học phổ thông trong vòng hai năm và dành toàn bộ năm cuối cùng để luyện thi.
Tại trường trung học Hành Thủy ở tỉnh Hà Bắc, nơi có hơn 100 người đỗ vào Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa danh giá, học sinh từng được truyền nước trong lúc ôn tập bởi cách này được cho là giúp các em tập trung hơn. Các nữ sinh tại đây còn được cho uống thuốc tránh thai để trì hoãn chu kỳ kinh nguyệt cho tới sau kỳ thi cao khảo.
Phụ huynh thậm chí còn lo lắng hơn thí sinh. Họ tìm cách đặt phòng khách sạn gần các điểm thi để con mình có thể nghỉ ngơi buổi trưa giữa hai bài thi và tránh bị tắc đường vào giờ cao điểm buổi sáng.
Chính quyền địa phương thường tạo điều kiện cho kỳ thi cao khảo diễn ra thuận lợi nhất, như hạn chế phương tiện gần các địa điểm thi. Tuy nhiên, từng có những trường hợp phụ huynh ở tỉnh An Huy, Giang Tô và Sơn Đông lo lắng tới mức chặn các tuyến đường bởi sợ tiếng xe đi lại ồn ào sẽ ảnh hưởng tới phần nghe trong bài thi Tiếng Anh. Các công trường cũng tạm ngừng hoạt động để thí sinh được yên tĩnh. Một số bà mẹ mặc xường xám đến trường thi để cầu may mắn cho con.
Sự cạnh tranh khốc liệt và tầm quan trọng của điểm số khiến kỳ thi bị chỉ trích vì mang tới cho học sinh, thậm chí cả giáo viên và phụ huynh, những áp lực không cần thiết, đồng thời cản trở việc giáo dục toàn diện.
Hạn ngạch tuyển sinh đại học cũng là một vấn đề gây tranh cãi. Số lượng này được phân bổ cho từng tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương dựa trên đăng ký hộ khẩu của thí sinh. Vì vậy, các địa phương ra quy định thí sinh có hộ khẩu thường trú ở đâu thì đăng ký dự thi ở đó. Chính sách này khiến nhiều gia đình biểu tình đòi quyền lợi cho con cái họ, để các em có cơ hội thi và xét tuyển vào các trường đại học danh giá ở Bắc Kinh hay Thượng Hải.
Phụ huynh tại Giang Tô, Chiết Giang và Hồ Bắc, những tỉnh miền đông và miền trung của Trung Quốc, cũng từng biểu tình phản đối Bộ Giáo dục khi họ đề xuất kế hoạch tăng hạn ngạch tuyển sinh cho các tỉnh phía tây để thúc đẩy giáo dục phát triển đồng đều hơn.
Ánh Ngọc (Theo SCMP)