Thẩm phán Esther Toh của Tòa án Tối cao Hong Kong hôm nay bác đơn xin thay đổi các điều kiện bảo lãnh và gỡ lệnh cấm xuất cảnh của Joshua Wong, với lý do việc này làm tăng nguy cơ Wong bỏ trốn. Bà Toh nói thêm rằng thay vì tới Anh, Wong nên ở lại Hong Kong để giúp ổn định đặc khu.
Wong, tổng thư ký đảng Demosisto tại địa phương, được quốc hội Anh trao Giải thưởng Westminster về nhân quyền nhờ quyết tâm đấu tranh vì "quyền bầu cử phổ thông, nhân quyền và tự do ngôn luận". Anh dự định rời Hong Kong 20 ngày vào tuần tới để nhận giải thưởng tại Cung điện Westminster hôm 12/12, đồng thời tham gia các phiên họp của quốc hội Anh và phát biểu tại 6 nước châu Âu.
Tuy nhiên, Wong bị Tòa án Đông Hong Kong áp lệnh cấm xuất cảnh hôm 30/8 do dính cáo buộc tổ chức, tham gia và xúi giục người khác dự một hội nghị trái phép bên ngoài trụ sở cảnh sát quận Wan Chai hôm 21/6. Tòa án này hồi đầu tháng cũng từ chối gỡ lệnh cấm cho Wong do chuyến đi của anh "không quá quan trọng".
Wong trở thành thủ lĩnh phong trào "ô dù" của sinh viên Hong Kong vào năm 2014 nhằm phản đối việc Bắc Kinh can thiệp quá sâu vào cuộc bầu cử trưởng đặc khu năm 2017. Tháng 1/2018, Wong bị kết án ba tháng tù vì tội chống người thi hành công vụ, nhưng chỉ thụ án 6 ngày rồi được tại ngoại để chờ kháng cáo. Hồi tháng 5, thẩm phán yêu cầu Wong quay lại nhà tù nhưng giảm án xuống còn hai tháng. Anh được trả tự do hôm 17/6.
Hong Kong từ hồi tháng 6 rơi vào tình trạng bất ổn do các cuộc biểu tình đòi rút dự luật dẫn độ cho phép đưa nghi phạm đến những nơi chưa có hiệp ước dẫn độ với đặc khu, trong đó có Trung Quốc đại lục. Dù chính quyền đã rút dự luật, biểu tình vẫn tiếp diễn nhằm đòi những yêu sách khác. Wong từng sang Đức và Mỹ để kêu gọi ủng hộ cho các cuộc biểu tình này.
Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt từng bày tỏ quan tâm tới biểu tình ở Hong Kong khi kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ các cam kết trong Tuyên bố chung Trung - Anh năm 1984 về phương án quản lý đặc khu. Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc đại lục từ ngày 1/7/1997, nhưng vẫn được phép duy trì hệ thống luật pháp, tư pháp riêng theo mô hình "một quốc gia, hai chế độ".
Tuy nhiên, Bắc Kinh hồi năm 2017 cho biết Tuyên bố chung Trung - Anh là "tài liệu của quá khứ" và không còn nhiều giá trị thực tế, đồng thời nhiều lần yêu cầu Anh không can thiệp vào Hong Kong bởi đây là việc nội bộ của Trung Quốc.
Ánh Ngọc (Theo SCMP)