Covid-19 xuất hiện ở 199 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, số ca nhiễm tại Mỹ tăng nhanh nhất trong vòng 24 giờ qua, tăng 17.029 ca so với một ngày trước đó, lên 102.464 ca, số ca tử vong là 1.706, tăng 312 ca. Mỹ đã vượt qua Trung Quốc và Italy để trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới. New York, Washington và California là ba bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tại New York, tâm dịch của cả nước, chính quyền thành phố đã phải dựng các nhà xác dã chiến bên ngoài bệnh viện nhằm ứng phó với trường hợp số ca tử vong do Covid-19 tăng mạnh.
Italy ghi nhận 919 ca tử vong mới. Tổng cộng, Italy báo cáo 86.498 ca nhiễm và 9.134 ca tử vong. Tỷ lệ tử vong là 10,5%, cao hơn hai lần trung bình toàn cầu 4,6%. Italy đã trở thành vùng dịch lớn thứ hai thế giới, đẩy Trung Quốc xuống vị trí thứ ba.
Tây Ban Nha, vùng dịch lớn thứ hai châu Âu, báo cáo 65.719 ca nhiễm và 5.138 người chết, tăng lần lượt 7.933 và 773 ca so với một ngày trước đó. Tình hình dịch tại Tây Ban Nha chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, dù chính quyền đã phong tỏa toàn quốc từ ngày 14/3. Các quan chức cảnh báo tình hình sẽ đặc biệt tồi tệ trong tuần này. Nhiều ca nhiễm nCoV được phát hiện trong hàng nghìn binh sĩ và cảnh sát mà chính phủ triển khai đối phó Covid-19. Giới chức cho biết gần 200 binh sĩ và gần 300 cảnh sát dương tính với nCoV.
Đức ghi nhận thêm 6.933 ca nhiễm và 75 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết lên lần lượt là 50.871 và 342. Như vậy, Đức hiện là nước có số ca nhiễm nhiều thứ 5 thế giới, sau Mỹ, Italy, Trung Quốc và Tây Ban Nha. Bộ Y tế cho biết đã thực hiện nhiều xét nghiệm và người nhiễm tại Đức khá trẻ. Giới chức cảnh báo không nên quá chú ý đến tỷ lệ tử vong 0,5% vì tình hình có thể thay đổi.
Anh báo cáo 2.885 ca nhiễm mới và 181 ca tử vong. Thủ tướng Boris Johnson và Bộ trưởng Y tế Matt Hancock ngày 27/3 xác nhận dương tính với nCoV và đang có các triệu chứng bệnh nhẹ. Cả hai đều tự cách ly và tiếp tục làm việc tại nhà. Trước đó, Thái tử Anh Charles và Thứ trưởng Y tế Nadine Dorries cũng thông báo nhiễm bệnh.
Iran là vùng dịch lớn thứ hai châu Á, sau Trung Quốc, với 32.332 người nhiễm và 2.378 ca tử vong. Chính phủ Iran kêu gọi người dân ở nhà và tránh xa nơi công cộng. Truyền thông Iran hôm qua cho hay gần 300 người đã thiệt mạng và hơn 1.000 người bị tổn thương trên khắp đất nước do tin vào những thông tin sai trái trên mạng xã hội, uống cồn công nghiệp để chữa Covid-19.
Trung Quốc xác nhận thêm 54 ca nhiễm, tất cả đều là các ca "ngoại nhập", và ba ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 81.394 và 3.295. Lo ngại về làn sóng lây lan mới, chính quyền đã đẩy mạnh các biện pháp kiểm dịch và sàng lọc tại những thành phố lớn bao gồm Bắc Kinh, nơi tất cả người đến từ nước ngoài phải cách ly tập trung.
Hàn Quốc báo cáo thêm 146 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm lên 9.478. Giới chức đề nghị người dân tiếp tục thực hiện cách biệt cộng đồng khi nước này vẫn ghi nhận khoảng 100 ca nhiễm nCoV mới mỗi ngày.
Tại Đông Nam Á, Malaysia là vùng dịch lớn nhất với 2.161 ca nhiễm và 26 người chết. Indonesia là vùng dịch chết chóc nhất khu vực với 87 người chết trong 1.046 người nhiễm. Tỷ lệ tử vong là 8,3%, thuộc hàng cao nhất thế giới. Giới chuyên gia cho rằng nguyên nhân bắt nguồn từ số ca dương tính được phát hiện quá ít, tỷ lệ này sẽ giảm dần khi càng có nhiều người được xét nghiệm và điều trị.
Vũ Hoàng (Theo Worldometer, Reuters, AFP)