"Quyền quyết định truy tố hay không truy tố một người phụ thuộc vào Bộ trưởng Tư pháp và điều này đã được thực hiện trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên, quyết định tha bổng đối với bị cáo Siti Aisyah của Indonesia được đưa ra sau quá trình khởi tố và biện hộ là điều bất bình thường", Star dẫn lời tân chủ tịch Hội Luật sư Malaysia Abdul Fareed Abdul Gafoor nói với phóng viên hôm 16/3.
Ông Abdul Fareed cho rằng Bộ trưởng Tư pháp không bắt buộc phải đưa ra lời giải thích, nhưng sẽ tốt hơn nếu ông công bố lý do bởi đây là vụ án thu hút sự chú ý trên toàn cầu.
"Vụ án này đã thu hút sự chú ý của quốc tế, vì vậy có rất nhiều câu hỏi về việc tại sao một người được tha bổng và các cáo buộc chống lại cô được rút lại, trong khi người kia vẫn bị truy tố", Abdul Fareed nhấn mạnh.
Datuk Abdul Fareed được bổ nhiệm làm chủ tịch hội luật sư Malaysia thay cựu chủ tịch George Varughese. Salim Bashir Bhaskaran, luật sư bào chữa cho Đoàn Thị Hương, được bầu làm thư ký của hội.
Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah bị cáo buộc dùng chất độc thần kinh VX sát hại Kim Chol, người mà Mỹ và Hàn Quốc cho rằng chính là Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur tháng 2/2017. Hương và Aisyah đều phủ nhận cáo buộc, khẳng định họ bị lừa tham gia một chương trình thực tế có camera giấu kín.
Trong phiên xét xử ngày 11/3 tại tòa thượng thẩm Shah Alam ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur, công tố viên rút lại cáo buộc giết người với Aisyah nhưng không nêu lý do. Cô được phóng thích ngay sau phiên toà và hiện đã về nước.
Tại phiên biện hộ ba ngày sau, Bộ trưởng Tư pháp Malaysia quyết định tiếp tục phiên tòa đối với Đoàn Thị Hương dù nhóm luật sư biện hộ đã gửi thư đề nghị xem lại trường hợp của Hương và phóng thích cô.
Hisyam Teh Poh Teik, người đứng đầu đoàn luật sư bào chữa cho Hương, nói rằng quyết định không rút lại cáo buộc đối với Hương là "sự ngoan cố" và "phân biệt đối xử".
Nghị sĩ Malaysia Ramkarpal Singh cho rằng nên hủy truy tố đối với ĐoànThị Hương như với Aisyah. Theo ông Singh, do Bộ trưởng Tư pháp không nêu lý do tiếp tục xét xử Đoàn Thị Hương nên công dân Việt Nam sẽ không bao giờ biết vì sao cô bị phân biệt đối xử. Khi đó, nhiều người nghi ngờ thẩm quyền của Bộ trưởng Tư pháp.
Phiên tòa xét xử Hương dự kiến tiếp diễn vào ngày 1/4. Nếu bị kết tội, cô sẽ đối mặt với án tử hình bằng hình thức treo cổ.