"Trung Quốc và Nga yêu cầu thêm thời gian. Tuyên bố chung đang tiếp tục được thảo luận", các nhà ngoại giao tiết lộ sau khi kết thúc cuộc họp kín trực tuyến kéo dài hơn hai tiếng hôm 2/2 về cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar.
Theo bản dự thảo tuyên bố chung trước đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự kiến kêu gọi khôi phục chính phủ dân sự ở Myanmar sau cuộc đảo chính hôm 1/2 khiến Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và các quan chức cấp cao chính phủ nước này bị bắt.
Bản thảo tuyên bố chung, do Anh đưa ra, cũng sẽ kêu gọi quân đội Myanmar "trả tự do ngay lập tức cho những công dân bị bắt giam bất hợp pháp" và đề nghị lực lượng này bãi bỏ tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm. Bản dự thảo không đề cập đến các biện pháp trừng phạt.
Tuy nhiên, dự thảo tuyên bố chung này không được thông qua do chưa nhận được sự ủng hộ từ Trung Quốc, quốc gia có quyền phủ quyết với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an.
Nhà ngoại giao Thụy Sĩ Christine Schraner Burgener, đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Myanmar, đã thông báo tóm tắt diễn biến mới nhất trong cuộc họp cho 15 thành viên thuộc Hội đồng Bảo an. Bà cũng kêu gọi các thành viên trong hội đồng cùng nhau "gửi tín hiệu rõ ràng để ủng hộ nền dân chủ Myanmar".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 1/2 cho biết đã ghi nhận tình hình tại Myanmar và đang nghiên cứu kỹ để hiểu rõ hơn. Bắc Kinh cũng hy vọng các bên ở Myanmar có thể giải quyết bất đồng một cách hợp lý theo khuôn khổ hiến pháp và pháp lý, cũng như bảo vệ ổn định chính trị và xã hội. Hãng thông tấn Xinhua thì gọi cuộc binh biến ở Myanmar là "cuộc cải tổ nội các lớn".
Trước khi Hội đồng Bảo an tổ chức họp khẩn, Trung Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế không "làm trầm trọng thêm căng thẳng và phức tạp thêm tình hình", khẳng định mọi hành động "đều phải đóng góp cho sự ổn định xã hội và chính trị ở Myanmar, đồng thời có lợi cho một giải pháp hòa bình".
Quân đội Myanmar sáng 1/2 bắt bà Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và một số lãnh đạo cấp cao trong đảng cầm quyền Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD). Lực lượng này đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp để điều hành đất nước trong một năm nhằm giải quyết cáo buộc họ cho là "gian lận bầu cử" hồi tháng 11 năm ngoái.
Mỹ, Australia và Liên Hợp Quốc phát thông điệp cảnh báo mạnh mẽ, đề nghị quân đội Myanmar thả các quan chức chính phủ cũng như tôn trọng ý chí người dân. Tuy nhiên, một số quốc gia như Thái Lan, Campuchia và Philippines khẳng định việc Suu Kyi bị bắt là "vấn đề nội bộ của Myanmar".
Ngọc Ánh (Theo AFP)