SBS đưa tin trường Đại học Quốc gia Incheon hôm 10/12 đã trình báo cảnh sát về việc 164 trong số 1.900 sinh viên quốc tế của Viện Ngôn ngữ Hàn Quốc "mất tích". Chương trình đào tạo ngôn ngữ mà họ theo học mới bắt đầu từ 4 tháng trước và dự kiến kéo dài một năm nhưng đã quá 15 ngày, các sinh viên trên không đến lớp.
Cảnh sát tin rằng mục đích thực sự của nhóm bạn trẻ này khi đến Hàn Quốc là nhằm kiếm việc làm chui sau khi học tiếng một thời gian ngắn. Trường đại học đang phối hợp với Cục Xuất nhập cảnh để xác định rõ những sinh viên này đi đâu.
Hôm 12/12, ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã làm việc với Viện Ngôn ngữ Hàn Quốc, xác định trong số trên có 161 sinh viên Việt Nam và ba người Uzbekistan.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Hưng cho biết sẽ tìm hiểu các sinh viên du học theo hình thức nào, có thông qua tổ chức tư vấn du học hay không và kiểm tra xem những tổ chức đó có vi phạm quy định không để có hướng xử lý.
Việt Nam hiện có hơn 34.000 sinh viên đang học tập tại Hàn Quốc, chiếm 23,4% tổng số sinh viên nước ngoài tại nước này. Tình trạng sinh viên sang Hàn Quốc theo diện du học rồi bỏ học và trốn ra ngoài làm việc không phải là mới.
Từ năm 2015 đến 2018, số sinh viên cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc tăng gấp 3 lần, lên hơn 12.500 người. Năm 2018, nhóm này chiếm 14% trên tổng số sinh viên nước ngoài của Hàn Quốc, trong đó 63% là sinh viên Việt Nam, theo thống kê của Bộ Giáo dục Hàn Quốc.
Trong bối cảnh lượng du học sinh Việt Nam sang Hàn Quốc học tiếng ngày càng tăng, vấn đề quản lý những người cư trú bất hợp pháp càng trở nên thách thức.
"Nhiều sinh viên chi hàng triệu won cho những người môi giới ở Việt Nam để sang Hàn Quốc học các khóa ngôn ngữ ngắn hạn. Tuy nhiên, họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn bằng cách làm việc chui ở Hàn Quốc", Yonhap dẫn lời một phát ngôn viên của Đại học Incheon nói.
Việc hàng loạt sinh viên "mất tích" đặt ra dấu hỏi về hệ thống cấp phát visa quá dễ dãi khiến nhiều sinh viên nước ngoài lợi dụng để sang Hàn Quốc kiếm việc làm thay vì mục đích học tập thực sự. Tỷ lệ sinh viên trong nước nhập học sụt giảm đã khiến nhiều đại học của Hàn Quốc tìm cách thu hút sinh viên nước ngoài để bù đắp về tài chính.
Viện Ngôn ngữ Hàn Quốc của Đại học Incheon chỉ tiếp nhận 152 sinh viên ngôn ngữ vào học kỳ mùa đông năm ngoái, nhưng tới học kỳ mùa hè, con số này đã tăng lên 1.600 sinh viên và vào học kỳ mùa đông năm nay là 2.028 sinh viên.
Lượng sinh viên nước ngoài tăng lên hàng năm nhưng việc quản lý của các trường lại lỏng lẻo. Trong sự việc của Đại học Incheon, Viện Ngôn ngữ Hàn Quốc đã không thông báo cho nhà chức trách kịp thời dù nhiều sinh viên đã vắng mặt một thời gian dài.
"Khi tuyển dụng sinh viên ngôn ngữ, chúng tôi đã đánh giá chặt chẽ về điểm số cũng như khả năng tài chính nên rất khó lường được tình trạng bỏ học giữa chừng để làm việc bất hợp pháp", một quan chức của trường cho hay.
Để hạn chế tình trạng bỏ học làm chui, Đại học Incheon dự kiến mở thêm các viện tiếng Hàn ở Trung Quốc và các nước Đông Nam Á như Việt Nam, thay vì giảm số lượng sinh viên.
Lượng sinh viên Việt Nam sang học tập tại Hàn Quốc được dự báo tiếp tục tăng. Tuy nhiên, Yonhap nhận định việc hơn 160 du học sinh "mất tích" có khả năng khiến cơ quan chức năng của Hàn Quốc thắt chặt hoạt động cấp visa du học D-4 cho sinh viên, học sinh Việt Nam trong thời gian tới.
Theo TTXVN, hồi tháng ba, chính phủ Hàn Quốc đã ban hành những quy định mới nhằm siết chặt visa dành cho du học sinh nước ngoài đến nước này học ngôn ngữ. Bộ Tư pháp Hàn Quốc cho biết sinh viên Việt Nam sẽ bị kiểm tra khả năng tài chính chặt chẽ hơn vì khoảng 70% số người nước ngoài sinh sống bất hợp pháp ở Hàn Quốc bằng visa học ngôn ngữ D-4 là người Việt Nam.
Thay vì chỉ phải xuất trình giấy tờ gửi ngân hàng 9.000 USD để đóng tiền học phí, Bộ Tư pháp Hàn Quốc yêu cầu sinh viên Việt Nam phải gửi 10.000 USD vào một tài khoản của những ngân hàng Hàn Quốc tại Việt Nam hoặc ngân hàng Việt Nam tại Hàn Quốc. Cứ sau 6 tháng, họ mới được rút 5 triệu won (4.400 USD), nhằm ngăn chặn việc rút hết tiền một lần để trả lại cho các công ty môi giới ngay khi được cấp visa D-4.
Bộ Tư pháp Hàn Quốc cũng sẽ giới hạn số lượng sinh viên nước ngoài học tiếng ở các trường đại học "bậc thấp", do Bộ Giáo dục Hàn Quốc xếp hạng dựa trên các tiêu chí như tỷ lệ sinh viên bỏ học và cư trú bất hợp pháp cao. Trong khi đó, 50 trường đại học hàng đầu có thể cấp thị thực điện tử cho sinh viên.
Tuy nhiên, các quy định về làm việc bán thời gian của sinh viên quốc tế sẽ được nới lỏng một phần do có những chỉ trích rằng việc cấm các em đi làm bán thời gian trong lĩnh vực chế tạo khiến tỷ lệ lao động bất hợp pháp tăng.
Trần Thiện Quang, chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc, cho hay tình trạng nhiều du học sinh lợi dụng visa học tiếng để làm việc bất hợp pháp gây ảnh hưởng đến việc xin visa của những người sang Hàn Quốc với mục đích học tập thực sự. Visa D-4 chỉ giới hạn tối đa 2 năm và nếu muốn tiếp tục ở Hàn Quốc, các du học sinh cần học lên trình độ cao hơn. Tuy nhiên, du học sinh đi theo diện này chỉ có thể xin làm các công việc chân tay, không đòi hỏi trình độ cao tại Hàn Quốc.
"Tình trạng bỏ học làm chui diễn ra một phần là do các bạn bị gia đình định hướng đi làm kiếm tiền thay vì đi học, một phần là do các trung tâm du học 'vẽ' ra viễn cảnh vừa học vừa làm với thu nhập cao khiến nhiều bạn rơi vào bẫy", anh Quang nói.
Thực tế, khi sang Hàn Quốc, nhiều du học sinh bị vỡ mộng khi vừa phải bắt kịp chương trình học vừa làm việc đến kiệt sức để kiếm tiền gửi về cho gia đình trả nợ các trung tâm môi giới.
Anh Quang cho biết trong bối cảnh quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng phát triển mạnh mẽ, cơ hội dành cho các sinh viên có vốn tiếng Hàn tốt trở về Việt Nam làm việc là rất rộng mở.
"Khi đã có cơ hội du học nước ngoài, du học sinh nên tập trung trau dồi, học tốt ngôn ngữ, thay vì bỏ học để làm chui và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Đó sẽ là cơ sở quan trọng để các bạn tìm được công việc tốt và phù hợp với năng lực", anh Quang nói.
Anh Ngọc