Trung tâm Đông Nam Á, Úc và châu Đại Dương thuộc Viện Phương Đông, Học viện hàn lâm khoa học Nga cuối tuần qua đã tổ chức hội thảo "Triển vọng phát triển quan hệ Nga - Việt trong giai đoạn mới", nhân dịp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Nga.
Các chuyên gia hàng đầu của Nga về Việt Nam đã thảo luận tình hình chung của quan hệ hai nước, về lịch sử, hiệu quả của những dự án hợp tác lớn và các chủ đề mà lãnh đạo hai nước có thể thảo luận trong thời gian hội đàm tại Moscow.
Đề cập tới tình hình biển Đông, các đại biểu lưu ý đến những thay đổi nguy hiểm ở khu vực này, đó là việc Trung Quốc xây dựng các đảo mới và mở rộng những đảo cũ và đặt trên đó những hệ thống tên lửa, căn cứ hải quân và không quân. Điều này tạo nên những đe dọa mới cho an ninh trong khu vực và vi phạm nguyên tắc, đặc biệt là an ninh bình đẳng cho tất cả.
Các chuyên gia khẳng định con đường duy nhất để giải quyết xung đột tại biển Đông là thông qua đàm phán trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).
Theo các học giả, mối hợp tác giữa Hà Nội và Moscow là quan hệ tin cậy, gắn bó từ lâu. Việt Nam luôn dành sự ủng hộ cho chính sách của Nga tại Đông Nam Á, trong đó năm 2010 Nga tham gia vào Cấp cao Đông Á, một trong những diễn đàn chủ chốt của khu vực, sau khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai Nga -ASEAN tại Hà Nội. Chương trình làm việc Nga - ASEAN về hợp tác năng lượng giai đoạn 2010-2015 cũng đã được thông qua tại Đà Lạt, Lâm Đồng.
Việc Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu ký kết Hiệp định tự do thương mại dự kiến sẽ đem lại xung lực mới cho hợp tác kinh tế giữa hai bên. Trọng tâm của quan hệ kinh tế bao gồm năng lượng nguyên tử, khai thác và chế biến dầu và khí đốt, du lịch và nông nghiệp và hợp tác kỹ thuật- quân sự. Các đại biểu cho rằng vấn đề hợp tác kinh tế Việt - Nga cần được thảo luận sâu hơn trong thời gian hội đàm sắp tới giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nga Medvedev.
Minh Đức