Khoảng hai tuần trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt đầu chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam, Giáo sư Tiến sĩ Peter Zinoman, đại học California, Berkeley, bất ngờ nhận được email của một trong những người chấp bút diễn văn cho tổng thống.
Họ đề nghị ông tư vấn, đóng góp ý tứ văn chương cho bài phát biểu quan trọng của Obama trước người dân Việt Nam. "Những người chấp bút của ông Obama không đưa ra nhiều hướng dẫn về nội dung bài phát biểu, ngoại trừ thông báo một trong các chủ đề là 'hoà giải'", Zinoman trao đổi với VnExpress.
Vì vậy, ông cùng cô Nguyễn Nguyệt Cầm, người vợ, cũng là một trợ lý đắc lực, đã nhớ đến hai bài hát của Trịnh Công Sơn và Văn Cao. "Lời bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Văn Cao đã đề cập đến chủ đề này, liên quan đến việc hoà giải giữa hai miền trong và sau chiến tranh. Nhưng tôi nghĩ ca từ có hàm ý đủ bao quát để có thể ẩn chứa ý nghĩa của những dạng thức hoà giải khác, ví dụ như giữa Mỹ và Việt Nam", ông cho hay.
Giáo sư Zinoman đã đề xuất 12 gợi ý cho người chấp bút, trong đó có ý tưởng về câu hát trong bài Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, và Mùa xuân đầu tiên của nhạc sĩ Văn Cao.
Giáo sư Zinoman còn đưa ra nhiều ý tưởng khác, như các đoạn trong bài hát "Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, "Tình ca" của Phạm Duy, hay những câu thơ trong Truyện Kiều như "Còn non còn nước còn dài/ Còn về còn nhớ đến người hôm nay", hay "Từng cay đắng lại mặn mà hơn xưa", các đoạn trong bài thơ "Giục giã" của Xuân Diệu, "Ta về" của Tô Thuỳ Yên.
Ngoài việc chọn các đoạn liên quan tới từng chủ đề cụ thể, ông còn muốn đề cập đến những tác gia đóng vai trò quan trọng trong văn hoá Việt Nam theo những cách khác nhau. "Trịnh Công Sơn, Văn Cao và Phạm Duy, tôi nghĩ được coi là những nhạc sĩ vĩ đại nhất của nền tân nhạc Việt Nam. Nguyễn Du ở thời xa xưa là nhà thơ xuất sắc nhất", ông nói.
Theo Zinoman, sau khi ông nộp đề xuất, những người chấp bút của ông Obama tham vấn với nhiều người khác, trong đó có nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, để xác định xem ý tưởng có thích hợp với diễn văn hay không.
Trước một số ý kiến phản biện, Zinoman đã có cơ hội để bảo vệ lựa chọn của mình và cuối cùng, hai ý tứ được đưa vào bài diễn văn. "Toàn bộ quá trình rất thú vị và rất mới với tôi. Dù chưa bao giờ làm điều gì như thế này nhưng tôi thấy vui khi được làm công việc này, vì tôi luôn ngưỡng mộ Tổng thống Obama", ông cho biết thêm.
Ngày 24/5, phát biểu trước khoảng 2.000 sinh viên, trí thức và doanh nhân trẻ Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, Tổng thống Obama đã vận dụng linh hoạt và triệt để các ý thơ, lời hát của Việt Nam khi đề cập đến từng chủ đề cụ thể, gây thích thú và khiến khán giả nhiều lần vỗ tay.
Trong diễn văn 30 phút của mình, ông Obama trích dẫn bài thơ Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt để nói về chủ quyền Việt Nam trong lịch sử, nhắc đến bài hát Nối vòng tay lớn, trích dẫn bài Mùa xuân đầu tiên khi nói đến việc hai dân tộc xích lại gần nhau, và ông thậm chí lẩy Kiều trong phần cuối về tầm nhìn với quan hệ song phương.
Giáo sư Zinoman gia nhập ngành Việt Nam học vào giữa thập niên 1980, hiện nghiên cứu, giảng dạy bộ môn Lịch sử cùng môn Nghiên cứu Nam Á - Đông Nam Á tại Đại học California, Berkeley, Mỹ.
Ông là người đồng sáng lập Tạp chí Nghiên cứu Việt Nam (The Journal of Vietnamese Studies). Ông nổi tiếng với việc dịch tiểu thuyết Số đỏ (tên tiếng Anh là Dumb Luck) của nhà văn Vũ Trọng Phụng sang tiếng Anh. Lĩnh vực nghiên cứu của ông bao gồm lịch sử văn hóa, xã hội, chính trị của Việt Nam cận đại, cùng lịch sử văn học Việt Nam thế kỷ 20.
Tháng ba vừa qua, ông nhận Giải thưởng Văn hóa Phan Chu Trinh vì những nỗ lực trong việc quảng bá văn học, văn hóa Việt ra thế giới.
Xem thêm: Người viết các bài diễn văn của Obama
Trọng Giáp