"Nếu Mỹ đồng ý, tôi sẽ đi, đó không phải là vấn đề. Sau đó tôi sẽ để chính phủ dày vò mình trong những ngày còn lại và tôi sẽ chạm tới Chúa như một người đàn ông thuần khiết", ông nói kênh truyền hình Đức ZDF hôm nay.
Giáo sĩ đang sống lưu vong tại Pennsylvania, Mỹ, bị Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cáo buộc chủ mưu cuộc đảo chính hồi tháng 7. Ankara muốn Washington bắt giữ ông và giao cho giới chức Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, ông Gulen bác bỏ cáo buộc liên quan đến âm mưu lật đổ chính quyền, còn Mỹ yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải cung cấp bằng chứng thuyết phục.
Kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về cáo buộc đối với mình, ông Gulen cho hay sẵn sàng hợp tác với các nhà điều tra.
"Một tổ chức quốc tế nên điều tra vụ này. Nếu cáo buộc của họ là đúng, tôi sẽ chấp thuận những gì họ muốn. Nhưng họ không đưa ra được bằng chứng thuyết phục hay hồi đáp đề nghị của tôi. Do đó, tất cả chỉ là sự khẳng định đơn thuần", ông nói.
Đầu tháng trước, một tòa án Istanbul đã phát lệnh bắt giữ chính thức đối với ông Gulen. Khi phó tổng thống Mỹ Joe Biden sang thăm Ankara vài tuần sau đó, ông cho hay yêu cầu dẫn độ giáo sĩ chỉ được chấp thuận nếu Thổ Nhĩ Kỳ đáp ứng các quy định pháp lý.
Xem thêm: Thổ Nhĩ Kỳ ra tối hậu thư yêu cầu Mỹ dẫn độ giáo sĩ nghi đảo chính
Anh Ngọc