Thánh tích cỡ ngón tay cái được Giáo hoàng lệnh trả lại cho Thánh địa Bethlehem như một món quà. Thánh tích đặt trong giá đỡ chạm trổ công phu đã được trưng bày ở Vương cung Thánh đường Santa Maria Maggiore của Rome từ thế kỷ thứ bảy.
Thánh tích được trưng bày ở Jerusalem thời gian ngắn trước khi đến Bethlehem hôm 30/11 và được rước đến Nhà thờ Thánh Catherine, bên cạnh Nhà thờ Giáng sinh, nơi được cho là Chúa Jesus chào đời. Nhà thờ Giáng sinh là một trong các Vương cung Thánh đường ở Bethlehem.
Một số người Kitô hữu tin rằng mảnh gỗ này là một phần tạo thành chiếc máng cỏ mà Chúa Jesus đã nằm sau khi chào đời. Quản nhiệm Thánh địa Terrae Sanctae nói rằng Thánh Sophronius đã tặng Thánh tích cho Giáo hoàng Theodore I cách đây hơn 1.000 năm.
Thánh tích được trưng bày tại Vương cung Thánh đường Santa Maria Maggiore của Rome, nơi rất nhiều khách hành hương trên khắp thế giới đổ về mỗi ngày để tỏ lòng tôn kính. Phần lớn máng cỏ vẫn còn ở Rome, song việc Vatican trả lại mảnh gỗ cho Bethlehem rất được các Kitô hữu hoan nghênh.
"Tim tôi đang đập nhanh. Tôi thực sự khóc vì vui mừng trước sự kiện này và cũng biết ơn Giáo hoàng vì lòng tốt mà ông đã mang đến Bethlehem", Louisa Fleckenstein, một hướng dẫn viên hành hương đến Thánh Địa, nói.
Tuy nhiên, một số người tỏ ra chưa hài lòng. "Khi chúng tôi nghe nói máng cỏ sẽ quay trở lại, chúng tôi cứ nghĩ là toàn bộ máng cỏ", Shahin Hijazeen nói.
Vatican mô tả sự trở lại của thánh tích như một món quà từ Giáo hoàng Francis. Anton Salman, thị trưởng của Bethlehem, nói với hãng thông tấn Palestine Wafa rằng trong chuyến thăm Vatican gần đây, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã đề nghị Giáo hoàng trả lại Thánh tích.
Thánh tích trở về trùng thời điểm bắt đầu Mùa Vọng, khoảng thời gian 4 tuần trước Giáng sinh.
Kitô hữu chỉ chiếm khoảng 1% dân số Palestine ở Bờ Tây, Gaza và Đông Jerusalem, nhưng Bethlehem là nơi nổi tiếng đối với những người hành hương Kitô giáo từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt vào dịp Giáng sinh. Hàng chục nghìn người hành hương Kitô giáo dự kiến đến Thánh địa trong tháng này.
Tiến sĩ Yisca Harani, chuyên gia về Kitô giáo của Israel, mô tả sự trở lại của Thánh tích là "sự đảo ngược của lịch sử". "Một nghìn năm trước, Rome tất bật thu thập các di tích từ phương Đông để xây dựng một địa điểm thay thế Jerusalem. Bây giờ, Rome đủ mạnh để có thể trả lại các Thánh tích cho Jerusalem và Bethlehem", Harani nói.
Thánh tích máng cỏ không phải vật phẩm tôn giáo đầu tiên được Giáo hoàng trả lại. Đầu năm nay, Giáo hoàng đưa một số mẩu xương của Thánh Peter cho lãnh đạo Giáo hội Chính thống Đông phương, nói rằng hành động này nhằm đưa các nhà thờ Chính thống và Công giáo đến gần nhau.
Huyền Lê (Theo BBC)