Trong video được Vatican công bố, Giáo hoàng Francis, 82 tuổi, đang thở khó nhọc và được một trợ lý giúp đỡ để ông quỳ xuống hôn chân Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir Mayardit cùng hai Phó tổng thống là Riek Machar và Rebecca Nyandeng de Mabior tại Vatican hôm 11/4 nhân ngày Thứ 5 Tuần Thánh. Giáo hoàng bị đau chân mạn tính nên việc đứng lên ngồi xuống gặp khó khăn.
"Đối với ba ngài, những người đã ký hiệp ước hòa bình, tôi yêu cầu với tư cách một người anh em rằng hãy gìn giữ hòa bình bằng cả trái tim mình. Sẽ có nhiều vấn đề nhưng chúng không khuất phục được chúng ta", Giáo hoàng nói.
Các chính trị gia Nam Sudan đang ở dinh thự Vatican của Giáo hoàng để tham gia khóa tu tâm linh hai ngày. Đây là ý tưởng của Tổng giám mục Canterbury Justin Welby, người đứng đầu Giáo hội Anh giáo.
Phó tổng thống de Mabior cho biết hành động của Giáo hoàng khiến bà xúc động sâu sắc. "Tôi chưa bao giờ thấy bất kỳ điều gì như vậy. Nước mắt tôi cứ thế trào ra", de Mabior nói.
Vatican News, cơ quan truyền thông của Tòa thánh, gọi cử chỉ của Giáo hoàng là "đáng ngạc nhiên và cảm động", một điều "chỉ có thể lý giải được trong bầu không khí của sự khoan dung cho nhau".
Thứ 5 Tuần Thánh (hoặc Thứ 5 Rửa chân) là một ngày lễ nằm trong Tuần Thánh của Công giáo, diễn ra trước Lễ Phục sinh để tưởng nhớ Bữa ăn tối cuối cùng của Chúa Jesus và 12 tông đồ. Chúa Jesus đã rửa chân cho các tông đồ trước khi bắt đầu bữa tiệc để răn dạy rằng cúi mình rửa chân là đặt mình ngang chân người khác, biết bỏ đi cái tôi mà phục vụ bởi tình yêu. Giáo hoàng thường rửa chân cho các tù nhân vào dịp này, nhưng đây là lần đầu tiên ông thể hiện sự tôn kính như vậy với các lãnh đạo chính trị.
Tổng thống Kiir và Phó tổng thống Machar từng là đối thủ của nhau khi Kiir buộc tội Machar tổ chức đảo chính năm 2013, dẫn đến cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm. Khoảng 400.000 người đã thiệt mạng và hơn 1/3 trong số 12 triệu người dân Nam Sudan phải sơ tán.
Năm 2018, hai bên ký hiệp ước hòa bình ở Ethiopia và đang cùng nhau cố gắng thành lập chính phủ ổn định.
"Tôi bày tỏ hy vọng chân thành rằng sự thù địch cuối cùng sẽ chấm dứt, hiệp định đình chiến sẽ được tôn trọng, sự chia rẽ chính trị và dân tộc sẽ được khắc phục, và sẽ có một nền hòa bình lâu dài vì lợi ích chung của tất cả công dân đang mơ ước bắt đầu xây dựng đất nước", Giáo hoàng nói.
Huyền Lê (Theo CNN)