Các quan chức khẩn cấp ở Kerman, quê nhà của thiếu tướng Qassem Soleimani, cho biết nhiều người đã thiệt mạng khi giẫm đạp xảy ra trong đám đông dự lễ tang của ông hôm nay. Truyền hình Iran dẫn lời người đứng đầu cơ quan y tế khẩn cấp của Iran Pirhossein Koulivand cho biết ít nhất 56 người đã thiệt mạng và 213 người bị thương.
Giẫm đạp xảy ra khi hàng triệu người mặc đồ đen phủ kín khắp các đường phố ở Kerman, đông nam Iran, để dự lễ an táng tướng Soleimani. Ông thiệt mạng hôm 3/1 do trúng đòn không kích từ máy bay không người lái Mỹ tại sân bay Baghdad, Iraq và linh cữu được đưa đến quảng trường trung tâm ở Kerman hôm qua.
Những người tham dự vừa than khóc vừa hô vang khẩu hiệu chống Mỹ và chống Trump. "Ông được xem là một người tuyệt vời, sẵn sàng phụng sự nhân dân. Ông chắc chắn phải được rửa thù", một sinh viên 18 tuổi nói.
Phóng viên Assed Beig của al Jazeera cho biết nhiều người không dự được lễ tang của Soleimani ở Tehran hôm qua đã tìm cách đến được nghĩa trang chôn cất ông hôm nay. "Mọi người di chuyển ở các không gian hẹp, dồn về phía nghĩa trang, và đó có thể là một trong những lý do khiến giẫm đạp xảy ra", Beig nói.
Trước đó, tang lễ tướng Soleimani cũng diễn ra tại thủ đô Tehran dưới sự chủ trì của lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei. Dù chưa có ước tính chính xác, các cảnh quay trên không cho thấy ít nhất một triệu người tham gia tang lễ Soleimani ở Tehran hôm qua. Đám đông lớn đến mức họ có thể được nhìn thấy trên ảnh vệ tinh của Iran.
Tướng Soleimani, 62 tuổi, được ca ngợi là anh hùng dân tộc ở Iran và được coi là người quyền lực thứ hai ở đất nước, sau lãnh tụ tối cao. Mỹ coi Soleimani là kẻ khủng bố và Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố việc hạ sát Soleimani đã ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào các nhà ngoại giao, quân nhân Mỹ, trong khi Iran xem đây là một vụ mưu sát và thề sẽ trả thù.
Theo một báo cáo hôm nay của hãng thông tấn bán chính thức TASNIM, Iran đã xây dựng 13 kế hoạch để trả thù cho tướng Soleimani. Ali Shamkhani, thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Iran, nói rằng ngay cả những người yếu nhất trong số họ cũng sẽ là "cơn ác mộng lịch sử" đối với Mỹ, song ông từ chối cung cấp chi tiết.
"Nếu quân đội Mỹ không rời khỏi khu vực của chúng tôi một cách tự nguyện và đàng hoàng, chúng tôi sẽ làm gì đó để mang cơ thể họ ra khỏi đây theo chiều ngang", Shamkhani nói.
Huyền Lê (Theo AFP, AP)