Winfred Leung, 18 tuổi, cho hay người đàn ông trên bị người biểu tình bao vây từ lúc 19h, sau đó được nhân viên sân bay giải cứu nhưng rồi lại bị một nhóm biểu tình khác bao vây lúc 21h và trói tay chân. Đám đông còn ngăn cản các nhân viên y tế đưa nạn nhân đi cấp cứu khi người này bị bất tỉnh lúc 22h.
Các nhân viên y tế và nhóm đàm phán của cảnh sát mất thêm một giờ nữa mới thuyết phục được người biểu tình tránh đường để đưa nạn nhân lên xe cứu thương đang đợi sẵn. Tuy nhiên, những người ở bên ngoài sân bay tiếp tục tấn công xe cảnh sát, đập vỡ các cửa sổ khiến một nhóm cảnh sát chống bạo động phải vào cuộc, sử dụng hơi cay và dùi cui để trấn áp đám đông.
Một cảnh sát bị người biểu tình dồn ngã đã rút súng ra tự vệ khiến đám đông bỏ chạy. Cảnh sát đã xịt hơi cay ít nhất hai lần bên ngoài sân bay và một lần ở bên trong.
Sau 23h, Leung và những người biểu tình khác phát hiện một người nữa có hành động khả nghi. Anh này mặc một chiếc áo gile phản quang thường thấy ở các phóng viên báo chí và nói tiếng Anh bằng giọng Quan thoại.
"Chúng tôi đã lịch sự hỏi anh ta làm cho tổ chức truyền thông nào nhưng anh ta không trả lời", Leung, người đang làm thêm ở một công ty hậu cần trong thời gian nghỉ hè trước khi vào đại học tháng 9 tới, kể. "Một vài người sau đó nổi nóng và trói anh ta vào một xe đẩy hành lý".
Những người biểu tình trở nên phẫn nộ khi lục túi của người đàn ông và phát hiện một chiếc áo phông màu xanh lơ in khẩu hiệu "Tôi yêu cảnh sát Hong Kong" và các tài liệu cho thấy anh này đến từ thành phố Thiên Tân. Sau khi tìm kiếm tên trên mạng, họ tin rằng anh ta đang làm việc cho tờ Global Times và lao vào đánh.
Người đàn ông bị giam hơn nửa giờ trước khi được đưa tới bệnh viện nhưng vẫn bị tấn công bằng xe đẩy và ném đồ vào người khi đã nằm trên cáng. Leung đã cố gắng ngăn cản những người này nhưng vô ích.
"Tôi không muốn đánh người khác, giống như chúng tôi ghét cảnh sát đánh mình", cậu nói. 5 người biểu tình đã bị bắt giữ, buộc tội tụ tập trái phép, sở hữu vũ khí tấn công, hành hung cảnh sát và gây rối trật tự.
Tuần trước, Leung là một trong hàng nghìn người đã tham gia vào cuộc biểu tình hòa bình ở sân bay quốc tế Hong Kong, một trong những cảng hàng không đông đúc nhất thế giới, trước khi tình hình leo thang thành bạo lực hôm 13/8. Sau 5 ngày chiếm sân bay, người biểu tình đã làm tê liệt hoạt động vận tải, khiến hàng trăm chuyến bay bị hủy và hàng trăm hành khách mắc kẹt.
Leung cho biết cậu phản đối hành động bạo lực nhưng vẫn đứng về phía những người biểu tình.
"Tôi hiểu những cảm xúc này đến từ đâu. Chính quyền đã không phản hồi chúng tôi sau khi chúng tôi biểu tình suốt hai tháng", Leung nói, cáo buộc một số cảnh sát giả dạng người biểu tình để bắt những người khác.
Nghị sĩ ủng hộ dân chủ Fernando Cheung Chiu-hung, người có mặt ở hiện trường khi người biểu tình bao vây phóng viên của Global Times, cho hay hành động của đám đông đã đi quá giới hạn và ông không đồng tình với họ.
Yiu Si-wing, giám đốc cơ quan Dịch vụ Du lịch Trung Quốc, thành viên Hội đồng Lập pháp Hong Kong, lên án vụ tấn công nhằm vào hai người đại lục, cho hay cảnh tượng và sự gián đoạn hoạt động ở sân bay đã làm sứt mẻ hình ảnh của Hong Kong trong mắt thế giới.
Ông ước tính số du khách tới Hong Kong trong tháng 7 sụt giảm và trong tháng 8 giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái do cuộc biểu tình tại sân bay. "Điều đó có thể khiến 700.000 - 800.000 nhân viên đang làm việc trong các ngành liên quan đến du lịch phải rùng mình", ông nói.
Trước cảnh tê liệt và bạo lực ở sân bay Hong Kong, nhiều du khách đã giận dữ đến rơi nước mắt. Carol và Samuel Wong đang chuẩn bị lên máy bay về Australia cùng đứa con một tuổi thì được thông báo thủ tục check-in bị hoãn.
Carol cho hay dù cô hiểu lý lẽ của người biểu tình, điều đó không thể so sánh được với sự bất tiện mà mọi người đang phải chịu đựng trên thực tế. "Các hành khách có nhiều lý do để bay. Nếu họ bỏ lỡ cơ hội nói lời tạm biệt với một người thân đang hấp hối vì chuyện này thì sao?", cô nói.
Một nhóm hành khách Australia, trong đó có hai người già ngồi xe lăn, đã phải quay ngược lại khi người biểu tình chiếm giữ khu khởi hành và từ chối cho họ đến cổng ra máy bay, bất chấp lời kêu gọi từ nhân viên lãnh sự.
Helina Marshall, một người trong nhóm, bật khóc vì thất vọng. "Chúng tôi có một cụ bà ở đây 84 tuổi và bị bệnh tim. Sao họ không thể để bà ấy đi qua để trở về nhà chứ?", cô nói.
Leung cho rằng hoạt động chặn du khách ở sân bay của người biểu tình cần phải xem xét lại.
"Khi chúng tôi chặn tàu cao tốc, người dân có thể chuyển qua xe buýt. Tuy nhiên ở đây, du khách phải trả nhiều tiền hơn nếu họ bị nhỡ chuyến bay", nam sinh nói. "Và một số gia đình thực sự chỉ có một dịp đi du lịch suốt mùa hè. Tôi không nghĩ chúng tôi nên cản trở họ làm thủ tục".
Tiến sĩ Law Cheung-kwok, giám đốc chính sách tại Trung tâm nghiên cứu và chính sách hàng không của Đại học Trung Văn Hương Cảng, ước tính cuộc biểu tình kéo dài hơn hai ngày ở sân bay Hong Kong gây thiệt hại hơn 620 triệu đôla Hong Kong (79 triệu USD) cho nền kinh tế của đặc khu. Tòa án Hong Kong hôm 13/8 đã ra lệnh cấm biểu tình tại sân bay, trừ những nơi được Cảng vụ Hàng không sân bay quốc tế Hong Kong cho phép.
Leung, người biểu tình trẻ tuổi từng tham gia vào những cuộc xô xát với cảnh sát, cho rằng động thái tiếp theo nên là lập lại hòa bình. Dù sân bay là nơi có thể cho thế giới biết những gì đang diễn ra ở Hong Kong, cậu tin rằng người biểu tình có thể nói tiếng nói của họ ở nhiều khu vực khác nhau.
"Việc sử dụng bạo lực hay bỏ qua hành vi bạo lực đều sẽ đẩy Hong Kong vào con đường không thể quay đầu, đẩy xã hội Hong Kong vào tình trạng đáng lo ngại và nguy hiểm", Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam hôm 13/8 cảnh báo. "Tình hình Hong Kong tuần qua khiến tôi rất lo rằng chúng ta sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm".
Anh Ngọc (Theo SCMP)