Dân số thế giới sẽ tăng thêm hai tỷ người trong 30 năm tiếp theo, từ mức 7,7 tỷ hiện nay lên 9,7 tỷ vào năm 2050, theo báo cáo được Liên Hợp Quốc công bố hôm 17/6.
Dân số toàn cầu phải mất hàng nghìn năm để đạt mức 5 tỷ vào năm 1987, nhưng 32 năm sau, chúng ta đang đạt mức gần 8 tỷ. Sự bùng nổ này là lý do Liên Hợp Quốc coi ngày 11/7 hàng năm là Ngày Dân số Thế giới nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về các vấn đề dân số.
Dân số toàn cầu tăng nhanh, nhưng lại không đồng đều, khi có một số khu vực đang mất dân số. Theo Liên Hợp Quốc, 27 quốc gia và vùng lãnh thổ đang suy giảm dân số với tỷ lệ 1% hoặc hơn kể từ năm 2010 do mức sinh thấp, trong đó có các nước như Trung Quốc hay Nhật Bản. Tỷ lệ sinh toàn cầu đã giảm từ 3,2 con/phụ nữ năm 1990 còn 2,5 con/phụ nữ năm 2019 và dự kiến tiếp tục giảm.
Ở một số khu vực khác, dân số lại bùng nổ. Tại khu vực châu Phi cận Sahara, dân số dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2050. 9 quốc gia gồm Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Congo, Ethiopia, Tanzania, Indonesia, Ai Cập và Mỹ, sẽ chiếm hơn một nửa mức tăng trưởng dự kiến của dân số toàn cầu từ nay tới năm 2050.
Tuổi thọ của người dân toàn cầu dự kiến tăng từ 72,6 tuổi lên 77,1 tuổi năm 2050. Đáng chú ý là tuổi thọ tại các nước kém phát triển thấp hơn 7,4 năm so với mức trung bình toàn cầu. Theo Liên Hợp Quốc, nguyên nhân do tỷ lệ tử vong ở trẻ em và người mẹ cao, cùng với đại dịch HIV và tình trạng bạo lực ở các khu vực xung đột.
Ngoài ra, 68% dân số thế giới dự kiến sống ở khu vực đô thị vào năm 2050, đặt trách nhiệm phát triển bền vững và giảm biến đổi khí hậu lên vai các nhà quy hoạch đô thị.
Nhiều quốc gia đang phát triển dân số quá mức, gây ra các vấn đề xã hội và môi trường như sự nóng lên toàn cầu, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm, suy dinh dưỡng, bất bình đẳng giới, lây lan bệnh chết người.
Mô hình dân số toàn cầu cũng có một xu hướng đáng báo động khác là già hóa dân số. Năm 2018, lần đầu tiên số người trên 65 tuổi trên toàn cầu vượt quá số trẻ em dưới 5 tuổi. Vì tuổi thọ ngày càng tăng và tỷ lệ sinh giảm, chúng ta đang sinh ít đi và sống lâu hơn.
Điều này nhìn có vẻ tốt, nhưng nó gây hậu quả lớn cho kinh tế toàn cầu, vì có ít người trong độ tuổi lao động hơn, trong khi số người cao tuổi cao làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe. Đến năm 2050, cứ 4 người sống ở châu Âu và Bắc Mỹ thì có một người 65 tuổi trở lên.
Hồng Hạnh (Theo CNN/UN)