Nhà báo kiêm sử gia người Mỹ Stanley Karnow (1925 - 2013) là người có mặt tại Việt Nam từ năm 1959, và là tác giả quyển sách nổi tiếng "Vietnam: A History" xuất bản năm 1983. Ông chịu trách nhiệm về nội dung cho một bộ phim 13 phần của đài PBS, "Vietnam: A Television History", thường được dịch sang tiếng Việt là "Việt Nam – Thiên lịch sử truyền hình". Bộ phim này đã giành được 6 giải thưởng Emmy, một giải thưởng Peabody, George Polk, DuPont - Columbia
Trong tác phẩm của mình, Stanley Karnow viết: "Tướng Giáp là một người đặc biệt. Ông vừa là một nhà hoạch định chính sách, vừa là một sĩ quan trên chiến trường. Người Pháp đã từng gọi ông là "trái núi lửa phủ băng". Ông là một người đàn ông lịch thiệp, luôn có chút hài hước khi trò chuyện. Ông ấy đặc biệt thông minh và có một kiểu bặt thiệp "rất Pháp"".
Karnow cho rằng, tài năng chiến lược của Tướng Giáp đã đặt ông vào "ngôi đền của những nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại" như Wellington, Ulysses S. Grant hay Douglas MacArthur. Nhưng khác với họ, những chiến tích của ông là bởi nhờ tài năng thiên bẩm hơn là nhờ đào tạo chính quy.
"Sau Hồ Chí Minh, ông là nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 20... Ông ấy giống như một vị thánh. Không có gì khiến ông phải chấp nhận thất bại", Karnow kết luận.
Cũng đi theo con đường của cha mình, con gái ông Stanley Karnow, nhà báo Catherine Karnow, sau nhiều thời gian nghiên cứu về lịch sử Việt Nam cũng nhận xét: "Tướng Giáp là "khối óc" của trận Điện Biên Phủ nổi tiếng, trận đánh giúp giành độc lập cho Việt Nam từ người Pháp, vào tháng 5/1954. Ông cũng đóng góp lớn cho chiến thắng của Việt Nam trước quân Mỹ vào tháng 4/1975".
Nhà báo, nhà sử học quốc tế gốc Áo Benard Fall (1926-1967), cũng là người đã có nhiều năm theo dõi tin tức về khu vực Đông Dương những năm 50, 60 của thế kỷ 20 đã có một lời đánh giá từ năm 1962 trong tác phẩm "Võ Nguyên Giáp - con người và huyền thoại" (Võ Nguyên Giáp - Man and Myth - New York F.P.Publishers, 1962): "Trong một tương lai có thể thấy trước, phương Tây chưa thể đào tạo được một vị tướng nào sánh kịp với Võ Nguyên Giáp".
"Di sản lớn nhất ông để lại chính là vai trò của mình trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chiến lược chiến tranh nhân dân. Đó là biểu tượng cho lực lượng yếu chống lại lực lượng mạnh bằng chính trị và quân sự", Giáo sư William Duiker, học giả nghiên cứu về khu vực Đông Á tại Đại học Penn State, Mỹ, và là tác giả của nhiều cuốn sách nói về Việt Nam nói.
Giáo sư Cecil B. Currey từng giảng dạy lịch sử tại Đại học Nam Florida, Mỹ. Ông được đánh giá là một trong những sử gia xuất sắc về lịch sử chiến tranh và đã viết ba cuốn sách về Việt Nam. Cuốn "Võ Nguyên Giáp - Chiến thắng bằng mọi giá" ra đời sau chuyến thăm Việt Nam năm 1997, khi đó Cecil B. Currey đã được chính Đại tướng Võ Nguyễn Giáp tiếp tại nhà riêng.
Trong "Chiến thắng bằng mọi giá", Cecil B. Currey nhận định, mặc dù không hề qua trường lớp đào tạo về quân sự ngoài thực tiễn chiến trường và nghiên cứu sách vở nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ghi những chiến công huy hoàng. Thắng lợi của Tướng Giáp không chỉ đơn thuần về mặt quân sự mà còn là những trận toàn thắng về chính trị. Tướng Giáp và người Việt Nam đã nhấn mạnh sự kết hợp đấu tranh giữa nông thôn và thành thị. Ông cũng là người xuất sắc ở khả năng động viên và tổ chức quần chúng.
Nhà nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự người Anh, Peter Mac Donald, đánh giá: "Từ năm 1944-1975, cuộc đời của Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những thống soái lớn của mọi thời đại. Với 30 năm làm tổng tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, ông tỏ ra là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh. Khó có vị tướng nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có".
Năm 1992, Peter McDonald đã xuất bản tác phẩm "Võ Nguyên Giáp - Một sự đánh giá" (Giap, an assessment), trong đó, có trích lời nhận xét của vị tướng Pháp Marcel Bigéard (1916-2010), người từng chỉ huy quân đội Pháp tại Việt Nam: "Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy và chiến thắng qua một thời gian khá dài, đạt được kết quả ấy trong thời gian suốt 30 năm, thật là một chiến tích kỳ diệu".
Cuốn sách cũng trích lời của Đại tướng Mỹ William Westmoreland - một trong những đối thủ của Tướng Giáp, nhận xét: "Võ Nguyên Giáp là một con người cương nghị, một vị tướng vĩ đại". Theo Westmoreland, ông tìm thấy ở Võ Nguyên Giáp một con người đầy nghị lực. Ông nói: "Những vị tướng chỉ huy quân sự ở cấp cao buộc phải có đức tính này, nếu không, họ sẽ không tồn tại lâu được".
Trong khi đó, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Đại học New South Wales, Australia đánh giá: "Ông ấy là một nhân vật huyền thoại và anh hùng của Việt Nam".
Trong con mắt ông Daniel Roussel, đạo diễn người Pháp, nguyên là phóng viên thường trú của báo Nhân đạo (L'Humanité), người có 7 năm (1980-1986) làm phóng viên thường trú tại Việt Nam, và có nhiều cuộc phỏng vấn với Đại tướng, "Tướng Giáp không bị hình ảnh của một anh hùng quốc gia, một nhà chiến lược quân sự có tầm vóc quốc tế che khuất, ông luôn luôn tỏ ra là một con người rất đỗi bình thường".
Còn trong Từ điển bách khoa toàn thư Pháp, mục từ về Võ Nguyên Giáp viết: "Là người tổ chức quân đội nhân dân, ông Giáp đã thực hiện được một sự tổng hợp độc đáo các học thuyết quân sự mácxít kết hợp nhuần nhuyễn với truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, vận dụng khôn khéo vào những điều kiện của một quốc gia có đất đai tương đối hẹp. Võ Nguyên Giáp đã chứng minh rằng ông có những đức tính ngoài tầm cỡ bình thường trên mọi lĩnh vực lớn của cuộc chiến tranh".
Song Long