Ông Marciel lên nắm quyền vào thời điểm quan trọng sau khi đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ Myanmar (NLD) do bà Suu Kyi lãnh đạo giành thắng lợi trong cuộc bầu cử lịch sử năm ngoái. "Lập trường của chúng tôi là bất cứ cộng đồng nào cũng được gọi bằng cái tên họ muốn. Chúng tôi tôn trọng điều đó", Reuters dẫn lời ông Marciel hôm nay. Đại sứ Mỹ nói thêm rằng đây là chính sách từ trước và Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện.
Chính phủ Myanmar không công nhận việc sử dụng thuật ngữ "Rohingya" để nói về cộng đồng thiểu số tập trung ở khu vực phía tây. Myanmar gọi đây là "Benglali", ám chỉ nhóm sắc tộc gồm 1,1 triệu người này là người nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh.
Mặc dù bà Suu Kyi giành giải Nobel hòa bình, song bà nói rất ít về việc cộng đồng người Hồi giáo ở miền Tây bị ngược đãi. Cộng đồng này không được ưa thích ở Myanmar.
Khoảng 125.000 người Rohingya vẫn bị giới hạn đi lại trong các trại tập trung tồi tàn sau cuộc chiến giữa người Hồi giáo và người theo Phật giáo tại bang Rakhine năm 2012.
Tuần trước, giới chức ngoại giao Myanmar cho biết đã yêu cầu đại sứ Mỹ không tiếp tục sử dụng thuật ngữ gây tranh cãi. Myanmar cho rằng Rohingya không nằm trong số các dân tộc thiểu số được công nhận, việc làm của Mỹ "gây ảnh hưởng xấu cho tiến trình hòa giải dân tộc" ở nước này.
Khi được hỏi liệu bà Suu Kyi có yêu cầu ngừng sử dụng cách gọi Rohingya, đại sứ Marciel từ chối bình luận và gọi đây là "cuộc đối thoại ngoại giao riêng tư". Hôm 28/4, hàng trăm người gồm cả các nhà sư đã biểu tình trước sứ quán Mỹ tại Myanmar phản đối việc Mỹ sử dụng thuật ngữ Rohingya.
Xem thêm: Tranh cãi về tuyên bố 'đứng trên tổng thống' của 'Quý bà' Myanmar
Văn Việt