Robert Luskin, luật sư của đại sứ Sondland, cho biết quan chức này tự nguyện làm chứng trước Hạ viện Mỹ vào sáng 8/10, nhằm cung cấp thông tin liên quan tới quá trình liên lạc giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đặc biệt là cuộc điện đàm hôm 25/7, khi ông chủ Nhà Trắng đề nghị người đồng cấp điều tra cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden.
"Tuy nhiên, ông ấy là một đại sứ đang tại nhiệm và là nhân viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nên phải tuân thủ chỉ đạo của họ", Luskin giải thích, nói thêm rằng đại sứ Sondland đã từ Brussels, Bỉ, trở về Washington để chuẩn bị cho buổi làm chứng và cảm thấy "thất vọng sâu sắc" vì lịch trình bị hủy.
"Đại sứ Sondland có niềm tin mạnh mẽ rằng ông luôn hành động vì lợi ích tốt nhất của nước Mỹ và sẵn sàng trả lời các câu hỏi một cách đầy đủ và trung thực. Ông ấy hy vọng những vấn đề từ phía Bộ Ngoại giao gây cản trở việc cung cấp lời khai sẽ được giải quyết kịp thời, đồng thời sẵn sàng làm chứng ngay khi được phép", Luskin cho biết.
Ukraine không thuộc EU nhưng theo thông tin quốc hội nhận được, Sondland đã làm việc với cựu đặc phái viên Mỹ về Ukraine Kurt Volker trong vấn đề hợp tác giữa hai nước. Volker từ chức hôm 27/9 sau khi bị nêu tên trong đơn tố giác về cuộc điện đàm giữa Trump và Zelensky.
Hạ viện Mỹ mở cuộc điều tra luận tội Trump hôm 24/9 sau khi người tố giác đệ đơn hồi tháng 8, cáo buộc Tổng thống Mỹ hối thúc Zelensky điều tra Joe Biden và con trai Hunter, người từng làm việc tại công ty năng lượng Ukraine Burisma. Trump và các thân tín nghi ngờ cựu phó tổng thống Mỹ dùng quyền lực khi còn tại nhiệm để giúp Burisma không bị điều tra hình sự.
Ba ủy ban thuộc Hạ viện hôm 27/9 gửi trát cho Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, yêu cầu xuất trình các tài liệu liên quan đến Ukraine, đồng thời đề nghị 5 cấp dưới của ông ra làm chứng. Pompeo tuyên bố sẽ "dùng mọi cách có thể để ngăn chặn" hành động mà ông cho là "đe dọa, bắt nạt" quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ.
Ánh Ngọc (Theo Guardian)