Trong phát biểu tại Hawaii, Mỹ hôm 27/3 khi công du Thái Bình Dương, lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cho biết chính quyền của bà đã gửi yêu cầu mới cho Mỹ để mua các xe tăng M-1 Abrams và tiêm kích F-16B.
"Điều này sẽ giúp tăng cường đáng kể sức mạnh trên bộ và trên không của chúng tôi, củng cố tinh thần quân đội và cho thế giới thấy được cam kết của Mỹ đối với quốc phòng Đài Loan. Chúng tôi có thể thảo luận thẳng thắn về những thiết bị phù hợp và Mỹ đang phản hồi tích cực với yêu cầu của chúng tôi", bà Thái nói.
Bà cho rằng Hong Kong là "bài học sâu sắc" cho Đài Bắc trong việc "đề phòng" Bắc Kinh, khi một đảng ủng hộ độc lập tại đây đã bị cấm hoạt động. "Trường hợp của Hong Kong nhắc nhở tất cả chính trị gia ở mọi đảng của Đài Loan rằng nên cẩn thận, tránh rơi vào bẫy của Trung Quốc, bao gồm lợi ích kinh tế và những lời hứa khác, nhưng cuối cùng chẳng có kết quả gì", bà Thái nói.
Lãnh đạo Đài Loan còn cho rằng việc Washington bán vũ khí cho Đài Bắc không còn mang nặng tính chính trị như trước, nói thêm rằng Đài Loan sẽ sử dụng ngân sách đặc biệt để mua thiết bị quân sự đắt đỏ và ngân sách quân sự có thể tăng "dựa trên những thách thức" trong khu vực.
Bà Thái nói việc Bắc Kinh buộc Đài Bắc chấp nhận mô hình một quốc gia, hai chế độ và những nỗ lực thay đổi hiện trạng khu vực của Trung Quốc khiến Đài Loan cần phải "tăng cường khả năng tự phòng thủ". "May mắn thay, Đài Loan không đơn độc. Cam kết của Mỹ với Đài Loan hiện nay mạnh mẽ chưa từng thấy", bà cho biết.
Washington cắt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc năm 1979 sau khi công nhận chính sách "Một Trung Quốc" của Bắc Kinh. Tuy nhiên, theo Đạo luật Quan hệ với Đài Loan năm 1979, Mỹ vẫn giữ quan hệ thương mại và bán vũ khí cho hòn đảo.
Chuyến công du Thái Bình Dương của bà Thái diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Đài Bắc leo thang. Chính quyền Trung Quốc nghi ngờ bà Thái và đảng Dân tiến của bà đang cố tìm cách để hòn đảo độc lập. Theo chính sách "Một Trung Quốc", Bắc Kinh coi hòn đảo là một phần lãnh thổ và sẵn sàng dùng vũ lực để thống nhất nếu cần thiết.
Trung Quốc tăng cường áp lực với Đài Loan từ khi bà Thái trở thành lãnh đạo vào năm 2016 do bà không thừa nhận chính sách này. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng một cho biết Bắc Kinh vẫn giữ quyền sử dụng vũ lực để kiểm soát Đài Bắc, nhưng sẽ nỗ lực để đạt được "sự thống nhất" trong hòa bình.
Ánh Ngọc (Theo Reuters)