Theo NBC News, Malik tỏ ra là một người Hồi giáo mộ đạo hiền lành, nói tiếng Anh bập bẹ, tránh giao du với láng giềng và không lái xe. Cô ta cũng không hay lên mạng xã hội, và trước khi tấn công, cô ta viết thông điệp thề trung thành với thủ lĩnh tối cao của Nhà nước Hồi giáo (IS) Abu Bakr al-Baghdadi lên Facebook bằng tài khoản mang tên khác.
Theo các nhà chức trách, Malik quốc tịch Pakistan, còn chồng Farook là người Mỹ gốc Pakistan, quen nhau trên mạng và gặp nhau tại Arab Saudi năm 2013 khi Farook đến đây để hành hương tới thánh địa Mecca. Gia đình của Malik sống ở Arab Saudi đã hàng chục năm, còn Malik mới chỉ về quê gốc năm 2007 để học dược tại trường đại học Bahuddin Zakri ở Multan cho đến năm 2012. Cô ta được mô tả là một sinh viên xuất sắc và không quan tâm đến tôn giáo hay chính trị, theo ABC News.
Farook, chồng cô ta là một người ít nói, làm thanh tra y tế ở San Benardino. Sau chuyến đi tới Arab Saudi vào tháng 7/2014, Farook trở về Mỹ, mang theo Malik bằng visa "vợ chưa cưới", loại cho phép công dân Mỹ nộp đơn xin cho vợ chưa cưới nhập cảnh tạm thời vào Mỹ trước khi kết hôn. Trong đơn xin visa, Malik ghi một địa chỉ ma ở Pakistan. Họ lấy được giấy chứng nhận kết hôn ở California vào tháng 8/2014. Malik được nhận thẻ xanh vào mùa hè năm nay.
Trong suốt thời gian ở Mỹ, đối với người thân của Farook, Malik là "một bà nội trợ điển hình" trong gia đình người Hồi giáo. Khi họ hàng đến thăm, cô ta không bao giờ xuất hiện trước mặt đàn ông. Cô ta nói năng nhỏ nhẹ, lễ độ nhưng cũng rất hòa đồng.
"Chúng tôi cũng chỉ mới tìm hiểu đôi chút về cô ấy, vì cô ta khá kiệm lời và nhút nhát giống chồng", Saira Khan, chị gái Farook cho biết.
Hàng xóm của hai người cũng có ấn tượng như vậy. Họ mô tả cô rất ít nói, tránh nhìn thẳng mặt mọi người mỗi lần đi ngang qua, và luôn đeo mạng. Thỉnh thoảng, cô ta cũng đi nhà thờ Hồi giáo, nơi Farook hay đến.
Sau khi có thai, Mailk mở một mục trên trang bán hàng trực tuyến Target, nhưng danh sách chỉ có 4 mặt hàng. Con gái của Malik ra đời hồi tháng 5. Đối với gia đình của Farook, hai người có vẻ hạnh phúc và không có dấu hiệu nào cho thấy họ ưa bạo lực hay cuồng tín.
Tuy nhiên, Malik và Farook đã âm thầm biến nhà để xe thành xưởng chết tạo bom, giới chức Mỹ cho biết. Cơ quan chức năng miêu tả căn hộ mà Farook và Malik thuê tại Redlands, cách San Bernardino khoảng 16 km về hướng đông, không khác gì một nhà máy chế tạo bom. Có tới 12 quả bom ống được tìm thấy tại đây.
Sáng 2/12, họ để con gái ở nhà nhờ bà nội trông, nói rằng có hẹn đi khám bác sĩ. Farook tới dự tiệc ở văn phòng với đồng nghiệp tại Sở Y tế Môi trường hạt San Bernardino. Anh ta rời đi trong chốc lát, và quay lại cùng với Malik.
Cả hai đeo mặt nạ và mang theo súng nã vào đồng nghiệp của Farook rồi bỏ trốn.14 người thiệt mạng và 17 người bị thương trong vụ tấn công. Cặp vợ chồng bị bắn hạ trong cuộc truy đuổi của cảnh sát vài giờ sau đó. Có một quả bom điều khiển từ xa gần hiện trường, nhưng không nổ.
Quá trình điều tra phát hiện "dấu hiệu của sự cực đoan hóa" và có khả năng những kẻ tấn công được truyền cảm hứng từ các nhóm khủng bố nước ngoài, Giám đốc FBI James Comey cho biết, nhưng ông cũng thêm rằng chưa có bằng chứng cho thấy các đối tượng tình nghi là thành viên của một mạng lưới hay nhóm khủng bố nào.
IS chưa nhận trách nhiệm về hành động của hai kẻ này, tuy nhiên, một tổ chức truyền thông có liên hệ mật thiết với IS đã gọi hai nghi phạm là "người ủng hộ".
Còn một điều chưa rõ nữa về tuổi tác của Malik. Nhà chức trách nói rằng cô ta 27 tuổi, nhưng giấy phép kết hôn lại cho thấy cô 29 tuổi. Hôm qua, giới chức Mỹ, Pakistan và Arab Saudi tiếp tục truy lùng manh mối những nơi Malik từng đi qua, và bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy có liên hệ với các nhóm khủng bố. Quá trình này có thể liên quan tới thời gian Malik được phép kết hôn với Farook tại Mỹ. Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định họ kiểm soát chặt chẽ quá trình này, nhưng không nói rõ cách thức và địa điểm Malik nộp đơn xin visa sang Mỹ ở Pakistan.
Hồng Hạnh