Theo SCMP, hình ảnh tòa nhà có mặt tiền được trang trí bằng ảnh ông Tập lan đi nhanh chóng trên mạng xã hội Trung Quốc hôm qua. Tuy nhiên vào cùng ngày, truyền thông Trung Quốc cũng đăng hình ảnh các tấm áp phích này được gỡ xuống. Nhân viên một khách sạn ở cùng con phố với tòa nhà cho biết, ảnh của chủ tịch Trung Quốc được dán lên từ hôm 25/3.
"Bản chất của vấn đề tâm lý ở đây là những tấm ảnh đó dùng để tự vệ", Chen Diaoyin, giáo sư đại học Chính trị Khoa học Pháp luật Thượng Hải cho biết. "Họ đang cố đe dọa người khác bằng cách trưng ra biểu tượng của một sức mạnh".
10 năm trước, có thể chủ sở hữu bất động sản đó sẽ dựa vào luật dân sự hay hiến pháp để đấu tranh, tuy nhiên bây giờ, họ lại dùng hình ảnh lãnh đạo quốc gia để giải quyết tranh chấp, giáo sư Chen nói. "Nó phản ánh sự thay đổi trong tâm lý xã hội".
Johnny Lau Yui-siu, một quan sát viên chính trị ở Hong Kong đánh giá, việc dán ảnh ông Tập kín nhà giống trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa (1966-1976), khi người dân dùng ảnh chủ tịch Mao Trạch Đông để bảo vệ các di tích và đồ vật khỏi bị phá hủy.
"Điều mà chủ sở hữu tòa nhà làm thực chất là 'bình cũ rượu mới'", Lau nói.
Theo Lau, ông Tập đã cố gắng thiết lập và củng cố vai trò lãnh đạo kể từ khi lên nắm quyền năm 2012. Từ đó, ông là chủ đề chính của nhiều thơ ca khen ngợi. Tại Hội nghị đại biểu nhân dân toàn quốc tổ chức tháng này ở Bắc Kinh, các đại biểu Tây Tạng còn đeo phù hiệu ảnh chân dung ông Tập.
Thật khó mà tưởng tượng ngày nay có một nhà lãnh đạo được tôn thờ công khai như chủ tịch Mao cách đây 50 năm, Lau nói. "Nhưng xét trên một mức độ nhất định, trong lòng nhiều người dân thường Trung Quốc đã tái sinh sự sùng bái cá nhân (đối với ông Tập)".
Theo The Paper, ngôi nhà xây dựng trái phép và tồn tại trong nhiều năm này là một chợ dân sinh nhỏ trong khu vực và sẽ sớm bị dỡ bỏ. Những bất động sản kiểu này rất phổ biến ở Trung Quốc đại lục do quá trình đô thị hóa nhanh chóng và các dự án giải tỏa xây dựng cơ sở hạ tầng lớn; cư dân thường từ chối rời bỏ chỗ ở, hoặc không thỏa mãn với mức bồi thường nên vẫn ở lại nhà, không chịu rời đi.
Hồng Hạnh