Nếu có nơi nào để đại dịch Ebola bùng phát thì đó chính là thị trấn New Kru. Khu ổ chuột ngổn ngang nằm ở ngoại ô thủ đô Monrovia, nơi những dấu vết từ sự tàn phá của chiến tranh vẫn còn hằn sâu. Đây là nơi sinh sống của 50.000 người dân nhưng không hề có nhà vệ sinh, bồn rửa hay phòng tắm.
Cống nước thải chảy thẳng qua giữa những túp lều và vào thời gian cao điểm của mùa mưa như hiện nay, những cơn mưa nhiệt đới biến nơi này thành một cái ổ khổng lồ, ẩm ướt và màu mỡ cho các loại vi trùng gây bệnh.
Bởi thế không có gì ngạc nhiên khi các đội y tế xuất hiện tại đây sau khi nhiều người địa phương tử vong vì dịch Ebola. Họ đánh dấu những chữ thập màu xanh lên những ngôi lều quanh thị trấn. Dấu hiệu này để xác định một số ít hộ gia đình đã được các nhân viên y tế kiểm tra và tuân thủ các khuyến cáo phòng dịch.
Đến nay chỉ có khoảng 500 ngôi nhà được đánh dấu và bản thân các nhân viên y tế lại bị cáo buộc là mầm mống gieo rắc bệnh tật trong thị trấn New Kru.
"Đây là một khu dân cư rất nghèo, điều kiện thiếu thốn và người dân không được giáo dục tốt về các quy tắc vệ sinh", Tamba Bundor nói khi lái xe qua những con đường cát ướt át. Ông là lãnh đạo của một nhóm tình nguyện viên nhiệt huyết thuộc tổ chức y tế từ thiện địa phương Dịch vụ Phát triển Cộng đồng, một đối tác của UNICEF.
"Đây là nơi các nạn nhân đầu tiên của Ebola ở Monrovia tử vong, và hầu hết mọi người nhiễm bệnh là vì họ không tuân thủ các khuyến cáo về phòng chống dịch", ông nói tiếp.
Gần 1.000 người đã tử vong vì nhiễm Ebola trên khắp Tây Phi.
Đại dịch xuất phát từ các khu vực rừng núi hẻo lánh, nơi những con dơi ăn quả thông truyền bệnh đi. Khi lan đến các khu đô thị ven biển, dịch Ebola đã bùng phát nhanh chóng đến mức các quan chức y tế không kịp trở tay.
Khi một vài ca nhiễm Ebola đầu tiên xuất hiện ở hạt Lofa, phía bắc Liberia, hồi tháng 3, giới chức vẫn nghĩ rằng họ đã khống chế được dịch bệnh này. Tuy nhiên, đến tháng 6, một người dân ở New Kru rồi những người liên tiếp sau đó tử vong.
Theo tiến sĩ Bernice Dahn, quan y tế cấp cao của Liberia, ba trong số các nạn nhân này qua đời khi đang ở trong một nhà thờ địa phương. Điều này khiến nhiều người tin rằng dịch bệnh là một lời nguyền có thể hóa giải thông qua cầu nguyện và bùa phép.
"Chúng tôi phải ngăn chặn việc để những người nghi nhiễm Ebola trong các nhà thờ", bà cảnh báo. "Các nhà thờ không phải là bệnh viện".
Tuy nhiên, cách đây hai tuần, một trong những cơ sở y tế chính ở địa phương từng bị người dân ném đá sau khi một phụ nữ nghi nhiễm Ebola tử vong. Có tin đồn trên khắp cả nước rằng chính các nhân viên y tế đã lây lan mầm bệnh. Hiện bệnh viện này đã phải đóng cửa tạm thời do lo ngại cho sự an toàn của các nhân viên.
Ông Bundor và các đồng nghiệp cũng bị tấn công khi cố gắng tiếp cận ngôi nhà của một gia đình có người tử vong ở New Kru. Người thân của nạn nhân khăng khăng rằng họ chết vì lời nguyền. Ở New Kru, nguyên nhân này ít bị xã hội kỳ thị hơn là việc nhiễm một dịch bệnh như Ebola.
"Một đám đông tụ tập lại và một số người cáo buộc các nhân viên y tế chúng tôi lây lan bệnh tật. Họ thậm chí chạm vào một phóng viên địa phương và nói rằng 'nếu các anh nghĩ chúng tôi gây ra nó, sau đó các anh đến đây, thì chúng tôi sẽ làm các anh lây nhiễm' ", Anthony Worpor, một thành viên trong nhóm tình nguyện kể khi đang mặc trên người chiếc áo có dòng chữ "Hãy rửa tay trước khi ăn để bảo vệ tính mạng".
Dù chương trình giáo dục y tế của ông Bundor đã đạt được một số thành công, ước tính vẫn còn khoảng 40% người dân New Kru phủ nhận nguy cơ của Ebola và sự cần thiết của các biện pháp y tế để phòng tránh dịch này.
Một số người xem ông Bundor như một nhà thuyết giáo đạo Kito, lắng nghe một cách lịch sự những cảnh báo của ông nhưng lại không thực hiện chúng. Ví dụ, tại quán rượu Alan's Bar, áp phích cảnh báo về sự nguy hiểm của Ebola đã được dán ở ngay cửa trước, trong đó có khuyến cáo tránh tụ tập đông người, nhưng các nhóm người bên trong vẫn say sưa chè chén, nghe nhạc disco châu Phi mà chẳng mảy may quan tâm.
Chủ quán là Alan Tokba, nói rằng "quán cấm khách khứa nhảy nhót" và yêu cầu họ họ rửa tay khi đến, nhưng ông Bundor thừa nhận rằng những biện pháp này vẫn chưa thỏa đáng.
Ông cũng không hài lòng với những nỗ lực của người phụ nữ đã có ba con Tina Teeh, 26 tuổi. Nhà của cô đã được đánh dấu thập nhưng xô đựng nước chứa clo mà cô dùng để rửa tay cho các con lại không có gáo riêng để múc nước.
"Tôi không có tiền để mua gáo", cô nói.
"Nhưng nếu cô nhiễm bệnh thì sao?", ông Bundor hỏi lại. "Khi đó cô thậm chí còn không đủ tiền trả viện phí".
Một người mẹ khác tuyên bố đã "nhìn thấy ánh sáng" là Julie Life, 30 tuổi. Cô thừa nhận từng nghi ngờ rằng chính ông Bundor đã mang Ebola đến khi thăm nhà cô lần đầu cách đây vài ngày. Tuy nhiên sau đó, Life cho hay cô đã thay đổi suy nghĩ khi xem một loại virus gây chết người trong bộ phim Nhiệm vụ Bất khả thi II.
Với ông Bundor và các đồng nghiệp đang vất vả và kiên trì từng bước để đẩy lùi dịch bệnh Ebola ở New Kru, đó dường như cũng là một nhiệm vụ bất khả thi.
Anh Ngọc (theo Telegraph)