Theo Mirror, Duncan đã khóc khi biết được hoàn cảnh bất hạnh của trẻ em mồ côi người Kurd trên truyền hình. Gia đình của các em bị IS sát hại, ném vào nấm mộ tập thể, còn Duncan lúc đó cảm thấy mình giống như bao người khác, chỉ có thể bất lực giương mắt nhìn qua bản tin thời sự.
Là một cựu chiến binh trong trung đoàn Hoàng gia Ireland, từng chiến đấu trong chiến tranh vùng Vịnh, Duncan hiểu rõ mình đủ năng lực giúp đỡ. Tháng 11/2014, ông tâm sự với người bạn đời Karen rằng ông muốn đi Iraq.
"Cô ấy hiểu cảm giác của tôi. Tôi không thể cứ ngồi giương mắt nhìn", Duncan, cựu binh 48 tuổi, cho biết Karen không hề bất ngờ trước quyết định của chồng.
18 tháng kể từ đó, Duncan luôn sát cánh trên tiền tuyến với lực lượng dân quân Peshmerga ở khu tự trị của người Kurd tại Iraq. Họ cùng nhau từng bước giành lại quyền kiểm soát các cứ điểm quan trọng ở Iraq bị IS đánh chiếm.
Vụ khủng bố mới đây tại Bỉ càng làm cho Duncan hiểu rõ hơn tình trạng bất ổn tại châu Âu ngày một nghiêm trọng.
"Vụ khủng bố ở Brussels là một thảm kịch", ông nói. "Nhưng mọi người cần biết rằng ở đây, thảm kịch xảy ra hàng ngày. Peshmerga đang trong cuộc chiến sinh tử với IS để cứu chúng ta, cũng như người dân của họ".
Duncan ăn ngủ trong chiến hào với những dân quân khác, giao tiếp với một vài người Kurd mà ông quen. Mỗi khi có cơ hội, ông bay về Scotland thăm vợ nhưng lại hiếm khi gọi điện về nhà, vì e rằng nói chuyện qua video chat với Karen từ tiền tuyến sẽ làm cô sợ hãi.
Ông là tình nguyện viên không lương, nhiệm vụ chính là huấn luyện nữ chiến sĩ bắn tỉa.
"Phụ nữ ở đây có tinh thần thép", Duncan nói. "Tôi phải chứng minh năng lực bản thân hàng ngày để được họ tôn trọng. Sau mỗi lần bắn trúng đích, họ thường nhìn tôi bằng ánh mắt 'Tôi cũng giỏi không kém ông'. Tôi lập tức quỳ xuống và bắn chính mục tiêu đó mà ko cần dùng bệ đỡ súng. Khi họ làm được giống tôi, công việc huấn luyện hoàn thành".
Đa số phụ nữ ở đây đều trong độ tuổi 20, một người đã kết hôn và có con 6 tuổi. Để được huấn luyện, họ phải vượt qua trở ngại về tôn giáo.
"Lúc đầu, thật là khó khăn để họ nằm xuống tập ngắm trước mặt tôi, một người đàn ông. Tuy nhiên, họ nhanh chóng nhận thức được không thể tập bắn mà không vượt qua trở ngại tâm lý đó", Duncan nói.
Ông chứng kiến bạn bè, đồng đội bị giết hại hoặc bị thương nghiêm trọng, nhưng điều kinh hoàng nhất mà Duncan từng gặp lại ở trong trại tị nạn.
"Tôi hộ tống nhân viên cứu trợ đến các trại tị nạn, nhìn họ phỏng vấn một phụ nữ người dân tộc thiểu số Yazidi vừa thoát khỏi IS", ông nói. "Một nhóm phiến quân xông vào nhà bắt cóc cô. Chúng đem đứa con trai 4 tuổi ra trước sân, bắt chứng kiến cảnh mẹ bị hãm hiếp".
"Đó là những gì mà lực lượng Peshmerga đang chiến đấu để chống lại. Họ đang cố gắng thoát khỏi thế giới đầy ung nhọt của IS. Người Hồi giáo đang ngã xuống, hy sinh trên chiến trường, cùng với người Công giáo và Yazidi, chống lại một kẻ xâm lược người Hồi giáo. Chính người Hồi giáo chết vì đấu tranh với IS nhiều hơn bất kỳ người tôn giáo nào khác".
Họ không chỉ đấu tranh trên mảnh đất quê hương, Duncan nói, mà còn đấu tranh cho cuộc chiến chống IS để ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố vào châu Âu.
"Thế mà chúng ta đặt gánh nặng cuộc chiến này lên đội quân địa phương thiếu vũ trang, chỉ dựa vào số vũ khí lạc hậu từ những năm 1960 hoặc tệ hơn, để giải thoát thế giới khỏi một trong những mối đe dọa lớn nhất từ trước tới nay", Duncan nói. "Tôi lấy làm xấu hổ rằng chúng ta đã làm được quá ít khi thế giới đang lâm nguy".
Đó là lý do Duncan hy sinh cuộc sống yên bình ở Scotland tới Iraq chiến đấu, đem kỹ năng quân sự ra đấu tranh vì niềm tin chiến thắng.
"Tôi yêu Karen, tôi yêu gia đình, yêu cuộc sống ở bên họ", Duncan nói. "Nhưng tôi nói với họ rằng, tôi sẽ không dừng lại chừng nào IS chưa bị tiêu diệt, và tôi tin rằng ngày đó sắp tới".
Xem thêm: Thành trì IS dưới máy quay bí mật của hai phụ nữ.
Hồng Hạnh