Hamza vừa đủ tuổi đi học nhưng thay vì đến trường, em lại phải chịu đựng cái nắng gay gắt giữa tháng 9 để cùng gia đình chạy trốn sang châu Âu. Cậu bé đi cùng mẹ là Fatima, anh trai 8 tuổi Abdullah và 4 cô em gái khác. Gia đình họ xuất thân từ vùng Daraa của Syria.
Một cô em gái của Hamza kéo theo chiếc vali du lịch nhỏ màu hồng trong khi người mẹ vác một túi đồ khá nặng nề khác. Đây là những tài sản duy nhất họ có. Họ lê bước chân mệt mỏi dọc đường ray xe lửa bên những cánh đồng ở biên giới Hungary.
Tuy nhiên, gia đình Hamza vẫn kịp có mặt ở biên giới khi quân đội Hungary đóng hàng rào để ngăn dòng người tị nạn đang dồn dập đổ về. Họ chỉ vừa băng qua hàng rào, cách đường ray xe lửa vài bước chân, thì lực lượng cảnh sát Hungary, trang bị mũ bảo hiểm, dùi cui và bình xịt hơi cay, bắt đầu dàn hàng đứng chặn ở đường biên giới.
Hamza không hề biết rằng, mình chính là người cuối cùng được đặt chân vào lãnh thổ Hungary, là người kết thúc cho hành trình trung chuyển từ Hy Lạp tới Đức và xa hơn nữa của hơn 180.000 người tị nạn.
Gia đình của Hamza sau đó được các tình nguyện viên cung cấp nước uống và ổn định chỗ ngồi trên một chuyến tàu. Suốt ngày 14/9, chính phủ Hungary đã đưa những người di cư như gia đình Hamza lên các chuyến chạy từ thị trấn Roszke tới vùng Hegyeshalom, nằm sát biên giới với Áo.
Riêng cuối tuần trước đã có khoảng 20.000 người vượt qua tuyến đường ray trên để vào Hungary.
Trước khi xảy ra nạn di cư ồ ạt, đường biên giới giữa Hungary và Serbia chỉ được đánh dấu bằng những cột bêtông màu trắng và tháp quan sát hoen gỉ từ thời Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên hiện nay, chính phủ Hungary đã cho lắp những hàng rào thép gai cao 4 m, dài hơn 170 km với 5 vòng cuốn.
Ở cánh đồng đầy rác bên kia hàng rào, các binh lính, cảnh sát cùng chó đặc nhiệm tập trung để bảo vệ biên giới từ nửa đêm theo lệnh khẩn cấp của chính phủ. Một trực thăng cảnh sát quần thảo ở phía trên.
Họ được phép sử dụng đạn cao su và lưới để bắt những người tị nạn vượt biên trái phép. Thậm chí, họ có thể sử dụng súng AK nếu cảm thấy tính mạng mình bị đe dọa. Những người cố tình vượt biên trái phép đối mặt với 3 năm tù, còn những người cố tình phá hoại hàng rào sẽ bị phạt 5 năm tù.
Khi hàng rào thép gai được dựng lên thì một gia đình khác cùng khoảng 30 người tị nạn cũng vừa tới rìa biên giới với Hungary. Người cha đôi co với binh lính, trong khi người mẹ bồng đứa con nhỏ. Cô con gái lớn khoảng 3 tuổi hồn nhiên nghịch những viên đá dưới chân.
10 phút sau đó, họ từ bỏ ý định vượt biên và bắt đầu đi bộ dọc theo hàng rào, với hy vọng tìm thấy một lối thoát. Những người khác ngồi lại bên đường ray, gối đầu lên tay mệt mỏi chờ đợi.
Kim Dung