Anna Fifield, trưởng văn phòng của Washington Post tại Tokyo, Nhật Bản kể lại quá trình tác nghiệp của cô trong nhóm ba người được cử tới Bình Nhưỡng.
Jang Su Ung, người giám sát (Triều Tiên gọi là "chăm sóc") phóng viên nước ngoài tác nghiệp tại Bình Nhưỡng, nhắc nhở ba phóng viên Mỹ: "Bạn hỏi quá nhiều. Điều này khiến tôi gặp một chút khó khăn khi làm việc với bạn". Những người giám sát sẽ phụ trách hướng dẫn, phiên dịch cho phóng viên quốc tế tới Bình Nhưỡng trong dịp Đại hội đảng Lao động Triều Tiên. Phóng viên Mỹ cho rằng người giám sát "rõ ràng là rất bực tức" khi nhắc nhở.
Khoảng 60 phóng viên được đưa tới bệnh viện phụ sản Bình Nhưỡng, nơi thường tiếp đón báo chí quốc tế. Những người giám sát đã phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, tránh cảnh chen lấn của các phóng viên khi nghe lãnh đạo bệnh viện kể về số lần nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới đây.
Đưa tin về Triều Tiên vẫn là điều hiếm gặp, cho dù báo giới được mời tới các di tích lịch sử, nhà máy điện, bệnh viện phụ sản. Không có nhiều giá trị tin tức tại những nơi này.
Trên đường, một phóng viên tự hỏi mình: "Có bao nhiêu thứ là dàn dựng và bao nhiêu thứ là diễn ra một cách tự nhiên?". Phóng viên được phép thu thập thông tin từ những người dân họ bắt gặp trên đường vào sáng 6/5, khi họ trên đường tới ga tàu điện ngầm Chunoo. Thế nhưng một phóng viên cho biết đã bắt gặp một cặp vợ chồng hai lần đi trên đường tới ga Chunoo. Cô cũng nhận ra người phụ nữ mà cô phỏng vấn ban ngày đã đi qua sảnh khách sạn nơi cô ở vào lúc tối.
Chuyến thăm bệnh viện hôm 7/5 giống như những gì Fifield đã thấy cách đây 11 năm, phải mặc áo trắng và phải dùng túi plastic bọc giày, tránh đưa vi khuẩn độc hại vào bệnh viện. "Qua cửa kính, chúng tôi nhìn thấy nhiều em bé sơ sinh nằm trong nôi, những chiếc nôi có vẻ như đã qua hàng chục năm sử dụng. Duy nhất một em bé ngủ", Fifield kể.
"Tôi nghĩ điều này thật đáng thán phục. Tôi nhìn kỹ những khuôn mặt bé bỏng và thấy thật nhẹ nhõm khi có một đôi mắt một mí chớp khẽ".
Sau đó, Fifield đi tới phòng thí nghiệm, gặp bác sĩ Yoon Chol Ho và hỏi các lệnh trừng phạt quốc tế liệu có làm cho họ gặp hạn chế khi muốn có công nghệ cần thiết cho công việc. Qua vai người bác sĩ, Fifield thấy các thiết bị trong đó dường như có từ những năm 1970 hoặc 1980, các thiết bị trông giống ở triển lãm trong bảo tàng.
Bác sĩ Yoon trả lời theo kiểu mẫu mực ở Triều Tiên: "Chúng tôi gặp khó khăn do lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc và Mỹ. Đó là lý do vì sao chúng tôi phải học cách chế tạo thiết bị. Nguyên soái vĩ đại Kim Jong-un đã dạy chúng tôi cần phải học về khoa học và công nghệ. Chúng tôi có thể phát triển những thiết bị do mình chế tạo". Bác sĩ Yoon nói vỏ ngoài các thiết bị có thể đã cũ, nhưng các linh kiện bên trong được Triều Tiên làm mới.
Khi Fifield hỏi Yoon làm thế nào để tiếp cận Internet, ông nói ông sang tòa nhà bên đường, mỗi tuần ba đến bốn lần. "Tuần trước anh qua đó mấy lần?", Fifield hỏi dồn, Yoon đáp tuần trước ông không qua đó vì không có thời gian.
Trước khi Yoon trả lời Fifield, cô cho biết cảm nhận được ít nhất 5 nhân viên bệnh viện hoặc nhiều hơn thế, cùng những người giám sát tạo thành vòng tròn xung quanh. Họ đặt tay lên lưng Fifield và cố đẩy cô đi để tránh bỏ lỡ những hoạt động khác của chuyến thăm. Fifield phản đối: "Không, các anh đưa tôi tới đây tìm hiểu bệnh viện. Hãy để tôi tìm hiểu".
Bàn tay sau lưng Fifield đẩy mạnh hơn, và cô đã phải bước ra, đi tới khu vực chăm sóc sức khỏe phụ nữ. Phòng khám được lắp đặt thiết bị của hãng Siemens, Đức. Tất cả thiết bị, gồm cả điều hòa, đều được dán dòng chữ màu đỏ và vàng để cho biết đây là quà của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Giám sát viên Moon trước đó nói rằng Triều Tiên đã cải thiện tình hình do lệnh trừng phạt mang lại bằng cách chế tạo 7 máy X quang, gồm cả một máy xách tay.
Khi vào phòng khám, Fifield thấy chiếc máy X quang hiệu Siemens nhập từ Trung Quốc. Moon nói những chiếc máy anh kể "hiện ở bệnh viện khác". Fifield đề nghị nhân viên y tế bật máy quét CT trong phòng. Sau nhiều lời thì thầm và nhiều cố gắng đẩy Fifield ra khỏi phòng, một người nào đó bật máy lên và mọi người đợi trong 5 phút để chiếc máy tính khởi động chương trình Windows của Microsoft. Khi máy yêu cầu mật khẩu, cả 6 nhân viên đều không biết làm thế nào để mở. Một người khác đến và cuối cùng chiếc máy tính cũng hoạt động.
Tiếp theo, Fifield tới một phòng bệnh, nơi có một bệnh nhân trong bộ quần áo màu hồng đang ngồi đó. Nhưng trên giường bệnh, bàn hay phòng tắm không có dấu hiệu tác động của con người, không có biểu đồ khám bệnh, thậm chí một cốc nước đặt trên bàn của bệnh nhân cũng không có.
"Người phụ nữ này có thật sự ốm? Cô ấy có phải là bệnh nhân thật? Chúng tôi sẽ không bao giờ biết. Đột nhiên, người giám sát nói rằng đã tới giờ chúng tôi phải ra xe bus", Fifield kể lại.
Xem thêm: Triều Tiên công bố ảnh cận mặt chất lượng cao của Kim Jong-un
Văn Việt