Nie Feng thường tiện tay vứt rác ngay bên ngoài căn hộ của mình ở Thượng Hải khi vội đi làm. Nhưng giờ đây, để cứu Trung Quốc khỏi cuộc khủng hoảng rác thải, anh phải tuân theo quy định vứt rác phức tạp mỗi sáng.
Nie chăm chú xem bản hướng dẫn, quy tắc anh mới học được là xương cá và xương lợn phải được tách riêng thay vì bỏ chung vào một thùng rác. "Chúng tôi thực hiện chương trình này vì lợi ích của đất nước. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn hay nhầm lẫn khi phân loại", Nie nói khi cho rác vào từng thùng khác nhau.
"Chúng tôi phải gắng nhớ được các quy tắc trước khi chính quyền áp mức phạt tiền", anh nói thêm. Mức tiền phạt với hành vi phân loại rác sai là 200 tệ (29 USD) đối với hộ gia đình và 50.000 tệ (gần 7.300 USD) đối với doanh nghiệp.
Thành phố Thượng Hải từ 1/7 khởi động chương trình thí điểm phân loại và tái chế rác tham vọng nhất Trung Quốc. Chương trình này được nhận định là rất cần thiết, bởi với 1,4 tỷ người tiêu dùng, Trung Quốc đang "ngập ngụa" trong rác thải. Mỗi ngày, 25 triệu dân Thượng Hải thải ra khoảng 26.000 tấn rác, tương đương trọng lượng tượng Nữ thần Tự do ở Mỹ.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc năm 2017 thải ra 210 triệu tấn rác thải và có thể tăng lên 500 triệu tấn năm 2030. Nguyên nhân của tình trạng này được cho là do tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và sự phát triển của nhu cầu tiêu dùng trong nước. Thương mại điện tử, ngành bùng nổ ở Trung Quốc với những doanh nghiệp như Alibaba, đã gián tiếp thải ra hàng tỷ thùng bưu kiện một năm khi chuyển hàng hóa cho khách hàng.
Rác thải ngày càng nhiều đã dẫn đến bất ổn xã hội. Tuần trước, giới chức thành phố Vũ Hán đã phải triển khai cảnh sát chống bạo động ngăn cuộc biểu tình của hàng nghìn người dân chống lại việc xây dựng lò đốt rác thải. Trung Quốc đã chi hàng tỷ USD cho các lò đốt chuyển rác thành năng lượng trên khắp đất nước, nhưng các cuộc biểu tình liên tục diễn ra vì người dân lo ngại chất độc từ các nhà máy này.
Lo ngại về tình trạng quá tải rác thải trong nước, chính phủ Trung Quốc năm ngoái cấm nhập khẩu rác từ nước ngoài.
"Chúng ta cần một cú hích thực sự lớn và tôi nghĩ chính phủ đã nhận ra. Điều này rất cấp bách", Alizee Buysschaert, người sáng lập đồng thời là giám đốc tư vấn môi trường của tổ chức Zero Waste Shanghai nói.
Với kinh nghiệm thu được từ chương trình thí điểm ở Thượng Hải, Trung Quốc năm sau sẽ đẩy mạnh việc bắt buộc phân loại rác tại các địa phương khác. Tuy nhiên, chiến dịch mới bắt đầu này đã làm dấy lên tranh cãi tại thành phố lớn nhất Trung Quốc.
Một số người chỉ trích rằng các hướng dẫn phân loại rác thải và quy định về tiền phạt không rõ ràng. Việc tình nguyện viên đi kiểm tra rác của các hộ gia đình mỗi ngày cũng khiến nhiều cư dân thấy khó chịu.
Các ý kiến phê bình cho rằng những người có lịch sinh hoạt không cố định sẽ gặp nhiều khó khăn vì hướng dẫn phân loại rác không rõ ràng và thời gian vứt rác mỗi ngày bị hạn chế. Truyền thông Trung Quốc cho biết sau hai tuần áp dụng chương trình, rất nhiều rác thải ở Thượng Hải vẫn chưa được phân loại đúng cách.
Nhiều kế hoạch phân loại rác thải cấp thành phố ở Thượng Hải trước đây đã "chết yểu", nhưng Buysschaert cảm thấy lần này có sự khác biệt. "Sự thay đổi lớn nhất là nó tập trung hơn và đang được thúc đẩy mạnh. Đây thực sự là yếu tố thay đổi cuộc chơi vì mọi người đều bàn luận, tham gia và làm theo", cô nói.
Giới chức cho biết việc tuân thủ quy tắc phân loại rác nghiêm ngặt là rất quan trọng, vì nó sẽ giúp quá trình xử lý rác dễ dàng hơn. Tuy nhiên, một số người dân chưa quen với việc đó. Tuần trước, một phụ nữ 33 tuổi bị bắt vì bóp cổ một tình nguyện viên do cãi cọ về các quy tắc phân loại rác.
"Ban đầu chúng tôi không quen. Nó thật sự bất tiện", bà Zhou Shenzhu, 67 tuổi, cho biết. Nhưng sau đó bà nhận ra lợi ích đáng kể của việc phân loại rác như giảm ruồi bọ và mùi hôi khó chịu.
"Các bản tin trên TV nói rằng chúng tôi phải đối mặt với tác hại lớn nếu không phân loại rác", bà Zhou nói. "Thượng Hải có rất nhiều người và cũng quá nhiều rác!".
Ngọc Ánh (Theo AFP)