Theo Yomiuri Shimbun, sau khi chính phủ Nhật Bản thông báo chính sách gia tăng tiếp nhận lao động nước ngoài kể từ đầu năm sau, cuộc chiến nhằm thu hút nguồn lao động từ Việt Nam về các địa phương của Nhật Bản trở nên gay gắt hơn.
"Nếu để chính sách của chính phủ được thông mới có động thái thì sẽ quá muộn", thống đốc tỉnh Chiba Kensaku Morita nói.
Ông đã đích thân đến thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 18 đến 21/11 để làm việc với một trung tâm phát triển nhân lực từng đưa gần 1.500 thực tập sinh và sinh viên Việt Nam sang Nhật Bản năm ngoái. Thông qua chuyến đi, ông tìm cách đảm bảo nguồn lao động cho ngành điều dưỡng vốn đang thiếu hụt nhân lực trầm trọng của tỉnh.
"Chúng tôi muốn giúp họ cảm thấy thoải mái khi làm việc ở tỉnh Chiba", ông Morita nói. Ông cho biết Chiba có chính sách hỗ trợ nhà ở cho lao động nước ngoài và đã đề nghị công ty trên đưa lao động sang đây làm việc. "Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để các biện pháp của tỉnh trở nên cụ thể hơn".
Vùng đô thị Tokyo, nơi có phần lớn dân cư cao tuổi, cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng trong ngành điều dưỡng. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi ước tính rằng Tokyo cùng các tỉnh Kanagawa, Saitama và Chiba sẽ thiếu hơn 100.000 nhân lực trong lĩnh vực này vào năm tài khóa 2025.
Hồi tháng 7, chính quyền thành phố Yokohama cũng cử các quan chức cấp cao đến thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và những tỉnh thành khác để ký một thỏa thuận đối tác về cung cấp nguồn nhân lực cho ngành điều dưỡng. Những tỉnh khác như Saitama, Gunma và Aichi có những thỏa thuận tương tự với chính quyền địa phương và trung ương Việt Nam về đào tạo và sử dụng nhân lực.
Số lao động Việt Nam tại Nhật Bản năm ngoái đã tăng lên 240.000 người, cao thứ hai chỉ sau Trung Quốc và tăng gấp 9 lần trong vòng 5 năm qua, theo điều tra của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi. Nhu cầu về lao động Việt Nam tăng cao nhằm thay thế lao động Trung Quốc vì mức lương ở Trung Quốc đang tăng.
"Tôi nghe các công ty phản ánh rằng người Việt Nam rất trung thực, chăm chỉ, siêng năng như người Nhật Bản", ông Morita nói.
Tình trạng phạm tội và mất tích
Tuy nhiên, việc gia tăng lao động Việt cũng đi kèm nhiều lo ngại khác. Năm ngoái, có hơn 3.750 thực tập sinh người Việt mất tích, theo Bộ Tư pháp Nhật Bản. Cục Cảnh sát Quốc gia cho hay người Việt cũng liên quan tới 5.140 vụ phạm tội hình sự. Cả hai con số này đều đứng đầu trong số các nước có lao động làm việc tại Nhật Bản.
Trong một trường hợp, hai người Việt Nam đến Nhật Bản năm 2013 và 2014 bằng visa sinh viên mất tích rồi sau đó bị bắt vì trộm cắp tại các cửa hàng bán lẻ lớn ở tỉnh Fukushima và Ibaraki. Tổng giá trị của số hàng trên là 5.300 USD và hai nghi phạm đã bị truy tố.
Một trong hai người Việt được cho là khai với cảnh sát Fukushima rằng anh ta "đã bán những đồ ăn trộm để lấy tiền trả nợ và dùng vào vài chuyện khác".
Thực tế, nhiều thực tập sinh và sinh viên Việt Nam phải vay mượn một khoản tiền lớn để trả phí cho những người môi giới trước khi sang Nhật Bản. Các trung tâm môi giới được phép thu không quá 3.600 USD với một hợp đồng ba năm. Tuy nhiên, một người môi giới tiết lộ rằng anh ta lấy phí cao hơn quy định tới 2.000 USD, sau đó thu lại biên lai từ các thực tập sinh nhằm xóa bằng chứng.