Kavi Chongkittavorn, chuyên gia của Viện Nghiên cứu an ninh và quốc tế, Đại học Chulalongkorn, hôm nay cho biết trong 2020, Việt Nam sẽ gặp những khó khăn mà Thái Lan phải đối diện trong 2019, khi làm Chủ tịch ASEAN. Đó là thách thức từ cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, xu hướng chống tự do thương mại và toàn cầu hoá cùng các điểm nóng ở Biển Đông, Triều Tiên.
Ông Chongkittavorn phát biểu trong Tọa đàm "Nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Thái Lan và vai trò của ASEAN trong sự phát triển của quốc gia và khu vực" chiều 27/9 tại Hà Nội.
Chuyên gia người Thái Lan cho rằng một trong những nhiệm vụ chính của Việt Nam trong 2020 là tiếp tục duy trì, thúc đẩy thảo luận Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.
"Nếu COC không hiệu quả, ASEAN sẽ không bao giờ chấp thuận. Vì đó là mục tiêu của khối", ông nói với VnExpress bên lề Toạ đàm.
Theo Chongkittavorn, trong năm làm Chủ tịch ASEAN, Thái Lan đã đóng góp vai trò lớn để Hiệp hội ra được Tuyên bố chung về Biển Đông hồi đầu tháng 8, sau Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 52. Các bộ trưởng đã bày tỏ lo ngại về việc cải tạo đất, các hoạt động và sự cố nghiêm trọng, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.
Khi Việt Nam nêu quan điểm cứng rắn về việc Trung Quốc điều tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 và tàu hộ tống đi vào vùng nam Biển Đông của Việt Nam, Thái Lan đã thúc đẩy đối thoại để ASEAN ra Tuyên bố chung.
"Việc ra được Tuyên bố Biển Đông cho thấy các nước ASEAN đã có đồng thuận, phản ánh hiện thực đang diễn ra", Chongkittavorn nói.
Theo cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh, cựu trưởng SOM ASEAN của Việt Nam, trong bối cảnh phức tạp trên thế giới, điểm thuận lợi ở khu vực châu Á là các nước vẫn ủng hộ tự do thương mại, chủ nghĩa đa phương và tăng cường hợp tác kinh tế. Dù cạnh tranh với nhau, các nước lớn vẫn coi trọng vai trò của ASEAN.
Khi thế giới đang biến chuyển rất nhanh, ASEAN không thể "lờ" đi những vấn đề quan trọng của khu vực, cần kiên trì các nguyên tắc của mình để duy trì vai trò trung tâm, tăng cường liên kết kinh tế nội khối để tăng sức mạnh từ bên trong. Ông Vinh cho rằng vấn đề mấu chốt là các nước không được làm phức tạp thêm tình hình, bảo đảm an ninh dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Cựu Thứ trưởng cho rằng, với những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, ASEAN cần thể hiện vai trò của mình khi vấn đề liên quan đến hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải. Ông đề xuất ASEAN cần nỗ lực hơn trong đối thoại để khiến Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế.
"Nếu có hành động làm phức tạp thêm tình hình ở khu vực thì ASEAN phải có tiếng nói", ông Vinh nhấn mạnh.