"Nếu chúng ta cho phép bất ổn xảy ra, đặc biệt là trong trường hợp xung đột vũ trang, sẽ không có người thắng hay kẻ thua, mà tất cả đều sẽ thua", AFP dẫn lời Chủ tịch nước hôm nay nói tại chương trình Đối thoại Singapore lần thứ 38 do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tổ chức.
Phát biểu trước các nhà ngoại giao, học giả và sinh viên tại Singapore, Chủ tịch nước cho rằng, Biển Đông không chỉ đem lại nhiều lợi ích quan trọng cho các nước trong khu vực mà còn là tuyến đường thiết yếu đối với vận tải hàng hải và hàng không của thế giới.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước khẳng định, những diễn biến đáng quan ngại tại đây "tác động tiêu cực đến môi trường an ninh khu vực, đặc biệt là an ninh và an toàn hàng hải, tự do đi lại trên biển và trên không".
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông bằng "đường lưỡi bò" tự vẽ ra, chồng lấn lên vùng biển các nước láng giềng. Nước này đã xây dựng đảo nhân tạo, đường băng có khả năng chứa máy bay quân sự cùng nhiều cơ sở khác trên các đá, bãi ngầm ở khu vực. Hoạt động của Trung Quốc cũng vấp phải sự chỉ trích kịch liệt từ nhiều nước, trong đó có Mỹ.
Tòa Trọng tài hôm 12/7 đã ra tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong yêu sách "đường lưỡi bò".
Trong chuyến thăm Singapore từ 28 đến 30/8, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khẳng định, lập trường chung của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc giải quyết các tranh chấp ở khu vực, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn ở Biển Đông.
Hai lãnh đạo cũng nhất trí thúc đẩy giải quyết các tranh chấp ở khu vực này bằng mọi biện pháp hòa bình, cùng các bên thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC).
Trọng Giáp