"Đây là một quyết định rất khó khăn. Chúng tôi hoàn toàn hiểu tầm quan trọng của APEC và COP-25 với Chile và thế giới nhưng đây là quyết định hợp tình hợp lý", ông Pinera nói với truyền thông ngày 30/10 tại Santiago. "Điều một tổng thống cần làm là đặt người dân lên trên tất cả".
Chile vốn có kế hoạch tổ chức các hội nghị của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ngày 16-17/11 và Công ước khung Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP-25) ngày 2-13/12 tại Santiago.
"Mối quan tâm chính của chúng tôi là thiết lập lại trật tự công cộng, đảm bảo an ninh cho người dân và sự yên bình của xã hội, đi đôi với việc thúc đẩy thông qua một chương trình nghị sự xã hội để đáp ứng các yêu cầu chính của công dân", Pinera nói thêm.
Một quan chức Nhà Trắng giấu tên cho biết Mỹ bất ngờ trước quyết định này của Chile. Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên kế hoạch gặp nhau tại APEC và có thể ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một, gồm các nội dung về dịch vụ tài chính, tiền tệ và nông nghiệp. Hiện chưa rõ động thái của Chile ảnh hưởng thế nào đến kế hoạch của Mỹ - Trung.
Chile tháng này đối mặt với làn sóng biểu tình và đụng độ tồi tệ nhất kể từ khi thiết lập lại chế độ dân chủ, sau chế độ độc tài Augusto Pinochet năm 1973-1990. Biểu tình khởi phát từ việc sinh viên phản đối việc tăng giá vé tàu điện ngầm, sau đó nhanh chóng chuyển thành bạo lực vượt tầm kiểm soát. Hơn một triệu người ngày 25/10 xuống đường đòi cải cách kinh tế và Tổng thống Sebastian Pinera từ chức.
Nhiều người Chile cho rằng cơ cấu kinh tế xã hội bất bình đẳng khiến họ cảm thấy bị gạt ra rìa. Họ tức giận trước tình trạng lương tối thiểu và lương hưu thấp, chi phí y tế và giáo dục tăng và khoảng cách giàu nghèo thêm trầm trọng.
Tổng thống Pinera tuần trước xin lỗi người dân Chile do không lường trước được tình trạng bất ổn xã hội bùng nổ, đồng thời công bố một loạt biện pháp giúp xoa dịu dư luận như tăng lương hưu và lương tối thiểu.
Phương Vũ (Theo AFP)