Từ đầu tháng 6, Ukraine bắt đầu tiến hành chiến dịch phản công được mong chờ từ lâu, tung ra tiền tuyến những đơn vị tinh nhuệ đã được phương Tây huấn luyện và trang bị trong thời gian dài. Lữ đoàn 47, được mệnh danh là "nắm đấm thép" của quân đội Ukraine, được trang bị thiết giáp Bradley hiện đại do Mỹ cung cấp, là một trong những mũi chủ công.
Theo đúng chiến thuật xung kích đã được huấn luyện ở các nước NATO, các binh sĩ Ukraine sử dụng thiết giáp phương Tây với ưu thế về hỏa lực và sức cơ động nhanh chóng áp sát phòng tuyến Nga. Những thiết giáp này được một số xe tăng chủ lực yểm trợ, sẵn sàng bỏ qua những chốt tiền tiêu của Nga để tiến sát chiến hào chính, đổ quân và nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa.
Nhưng thực tế không diễn ra như những gì họ đã được học trên các thao trường phương Tây. Khi đoàn xe thiết giáp Ukraine tăng tốc lao lên, họ nhanh chóng sa vào bãi mìn của Nga, dày đặc đến mức xe phá mìn cũng bị vô hiệu hóa. Đoàn xe xung kích mắc kẹt, rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, đối mặt với đòn tập kích liên tục từ pháo binh cùng trực thăng Nga.
Những thiết giáp đi đầu cán phải mìn và mất sức chiến đấu, những chiếc đi sau tản ra và tiếp tục trúng mìn hoặc đạn pháo. Xe tăng chủ lực có tốc độ chậm hơn không kịp yểm trợ, khiến các đơn vị xung kích Ukraine hoặc bị phá hủy hoàn toàn, hoặc phải nhanh chóng rút lui khi đối đầu với chỉ một xe tăng Nga.
Ukraine mất khoảng 20% phương tiện chiến đấu huy động cho chiến dịch phản công trong hai tuần đầu tiên, theo các quan chức Mỹ và châu Âu. Trong số này có nhiều phương tiện hạng nặng như xe tăng Leopard 2, thiết giáp M2 Bradley và xe công binh với bộ phá mìn Leopard 2R.
Các quan chức Mỹ và chuyên gia phương Tây cho rằng sau hai tháng phản công, quân đội Ukraine đã nhận ra tổn thất quá lớn từ chiến thuật phương Tây và đang tìm cách thay đổi, quay lại với cách đánh truyền thống của họ.
Thay vì lao thẳng vào bãi mìn dưới làn hỏa lực Nga, các lữ đoàn Ukraine giờ đây tăng cường tập kích bằng pháo và tên lửa tầm xa để bào mòn phòng tuyến đối phương. Bộ binh của họ cũng rời khỏi xe thiết giáp, dựa vào lực lượng công binh dò gỡ mìn thủ công để tìm đường tiến sát trận địa Nga, dù với tốc độ chậm chạp hơn nhiều.
Trong đợt tiến công mới ở miền nam, Ukraine tung ra lực lượng với quy mô nhỏ hơn nhiều so với đầu chiến dịch. Bộ binh tạo lối mở qua bãi mìn, sau đó bất ngờ đánh dồn dập vào chiến hào, buộc lực lượng Nga rút lui. Chiến thuật này đã giúp Ukraine kiểm soát thêm vài ngôi làng và giảm bớt tổn thất về tăng thiết giáp.
Quyết định thay đổi chiến thuật của Ukraine được đánh giá là tín hiệu cho thấy hy vọng của NATO về bước tiến của những đơn vị với vũ khí mới, chiến thuật mới chưa thành hiện thực.
Nhiều quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hy vọng 9 lữ đoàn Ukraine do phương Tây huấn luyện, với khoảng 36.000 quân, sẽ cho thấy chiến thuật của Mỹ vượt trội so với Nga.
Họ cho rằng quân đội Nga có cấu trúc chỉ huy tập trung cứng nhắc, còn Mỹ huấn luyện cho các sĩ quan Ukraine trao quyền cho binh sĩ nhiều kinh nghiệm tác chiến để họ đưa ra quyết định tức thời trên chiến trường, cũng như triển khai chiến thuật hiệp đồng giữa bộ binh, tăng thiết giáp và pháo binh.
Các quan chức phương Tây cho rằng chiến thuật xung kích sẽ giải quyết chiến trường nhanh hơn, hiệu quả hơn so với cách đánh tiêu hao lực lượng Nga, vốn đốt rất nhiều đạn pháo, tên lửa và có nguy cơ làm cạn kiệt kho vũ khí của Ukraine.
Tuy nhiên, chương trình huấn luyện tác chiến hiệp đồng trong 4-6 tuần ở nước ngoài là không đủ để các lữ đoàn Ukraine tạo được đột phá. Nhiều đơn vị lúng túng, mắc sai lầm khi bắt đầu cuộc phản công, khiến chiến dịch chậm lại đáng kể so với kỳ vọng của phương Tây.
Một số đơn vị sa vào bãi mìn do không tiến quân theo những tuyến đường đã được dọn sạch từ trước. Một đơn vị trì hoãn đợt tiến công ban đêm, trong khi pháo binh yểm trợ vẫn khai hỏa theo hiệp đồng từ trước, khiến mũi tiến công bị lực lượng Nga phát hiện ra và tìm cách đối phó.
Hiệu quả của chiến thuật "tiến chậm" hiện nay của Ukraine vẫn là một câu hỏi lớn, khi quy mô lực lượng tiến công bị thu nhỏ, còn Nga không ngừng củng cố trận địa phòng thủ. Giới quan sát cho rằng cách đánh này có thể bào mòn dần dần phòng tuyến Nga, nhưng sẽ không tạo ra đủ động lực để xuyên phá nó.
Chỉ khi chọc thủng được phòng tuyến Nga, quân đội Ukraine mới có thể quay lại cách tác chiến của Mỹ, tận dụng sức cơ động của lực lượng cơ giới để tiến nhanh vào hậu tuyến, nơi các đơn vị Nga mỏng hơn.
Nguyễn Tiến (Theo Press United)