Ít nhất ba đám cháy lớn bùng phát cuối ngày 8/8 ở bờ biển phía tây đảo Maui và nhanh chóng lan rộng, bao trùm thị trấn ven biển Lahaina. Ngọn lửa lan quá nhanh khiến nhiều cư dân và du khách mất cảnh giác, bị mắc kẹt trên đường hoặc phải nhảy xuống biển để thoát thân.
"Trong bối cảnh các nỗ lực chữa cháy tiếp tục, thêm 17 trường hợp tử vong đã được xác nhận, nâng số người chết lên 53", chính quyền hạt Maui cho biết ngày 10/8.
Lực lượng tuần duyên Mỹ thông báo họ đã cứu được 50 người nhảy xuống biển do các đám cháy.
Thống đốc Hawaii Josh Green trước đó nói rằng số người chết sẽ tăng đáng kể, trong khi nhiều người bị bỏng, ngạt khói và các vết thương khác.
"Năm 1960, chúng tôi ghi nhận 61 trường hợp tử vong khi sóng thần xảy ra ở Đảo Lớn. Lần này, rất có khả năng tổng số người chết sẽ vượt xa con số đó", ông Green hôm 10/8 cho hay.
Theo ông Green, khoảng 80% thị trấn Lahaina đã biến mất. Ít nhất 271 công trình bị phá hủy hoặc hư hại, 1.700 ngôi nhà bị ảnh hưởng. Thị trấn là một trong những điểm thu hút du lịch của đảo Maui, với hai triệu du khách mỗi năm, tương đương khoảng 80% du khách đến đảo.
"Cứ như một quả bom đánh trúng Lahaina, thị trấn hoàn toàn bị tàn phá", ông nói. "Những tòa nhà mà tất cả chúng tôi tôn vinh trong nhiều thập niên, qua nhiều thế hệ, đã bị phá hủy hoàn toàn".
Nicoangelo Knickerbocker, cư dân 21 tuổi ở Lahaina, thức giấc tối 8/8 và thấy lửa đang cháy khắp thị trấn quê nhà. Mẹ và em gái của anh đã sơ tán, trong khi Knickerbocker cùng một số người bạn sang nhà hàng xóm, giúp thu dọn đồ đạc và cố dập lửa bằng vòi tưới vườn nhưng không hiệu quả.
"Xung quanh tôi rất nóng, tôi cảm thấy như áo mình sắp bốc cháy", anh nói từ một trong 4 nơi trú ẩn khẩn cấp được mở trên đảo. Hơn 2.100 người đang ở các khu trú ẩn này.
Knickerbocker nghe thấy tiếng ôtô và một trạm xăng phát nổ, ngay sau đó anh cùng bố rời khỏi thị trấn, chỉ mang theo bộ quần áo đang mặc và con chó của gia đình.
Cư dân Kekoa Lansford cho biết họ vẫn thấy các thi thể trôi nổi trên mặt nước và đê chắn sóng. "Chúng tôi đã kéo mọi người ra ngoài. Chúng tôi đang cố gắng cứu mạng sống của mọi người và tôi cảm thấy không nhận được sự giúp đỡ cần thiết", Lansford cho hay.
Ít nhất 20 người bị bỏng nặng, trong khi hơn 11.000 du khách đã được sơ tán khỏi Maui. Ít nhất 16 con đường đã bị đóng, nhưng sân bay vẫn hoạt động bình thường.
Đây là thảm họa tồi tệ nhất xảy ra ở Hawaii từ sau năm 1960, một năm sau khi Hawaii trở thành bang của Mỹ. Khi đó, một trận sóng thần khiến 61 người thiệt mạng. "Tôi tin rằng chúng tôi sẽ cần phải xây dựng lại toàn bộ Lahaina", thống đốc Green cho hay.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố tình trạng thảm họa ở Hawaii, cho phép các cá nhân và chủ doanh nghiệp bị ảnh hưởng nộp đơn xin trợ cấp phục hồi kinh tế và nhà ở.
Các quan chức cho biết nguyên nhân cháy rừng ở Maui vẫn chưa được xác định, nhưng Cơ quan Thời tiết Quốc gia cho biết thảm thực vật khô, gió mạnh và độ ẩm thấp đã gây ra hỏa hoạn.
Theo Thomas Smith, giáo sư địa lý môi trường tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, cháy rừng xảy ra hàng năm ở Hawaii, nhưng đám cháy năm nay bùng cháy nhanh hơn và lớn hơn bình thường.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)