"Các sĩ quan của chúng tôi lo lắng rằng mức độ bạo lực đã lên tới mức họ có thể phải bắn chết người nếu không muốn bị giết", một chỉ huy cấp cao giấu tên của cảnh sát Hong Kong nói trong cuộc họp báo với truyền thông nước ngoài hôm nay. "Chúng tôi đã rất kiềm chế, nhưng khi đối mặt với bạo lực như vậy, áp lực đó trở nên rất nguy hiểm".
Tuyên bố được quan chức cảnh sát Hong Kong đưa ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình ở đặc khu bước sang tuần thứ 16 liên tiếp với diễn biến ngày càng phức tạp hơn và nhà chức trách thành phố cảnh báo về nguy cơ bạo lực vượt tầm kiểm soát.
Trong các cuộc đụng độ cuối tuần trước, người biểu tình đã có những hành vi quá khích như ném gạch đá, bom xăng, đốt phá ga tàu điện ngầm, buộc cảnh sát phải dùng nhiều biện pháp như vòi rồng và hơi cay. Cảnh sát Hong Kong cũng nhiều lần rút súng hoặc bắn chỉ thiên khi đối đầu với người biểu tình và cảm thấy bị đe dọa tính mạng.
Trong cuộc họp báo, chỉ huy cảnh sát cấp cao Hong Kong nhấn mạnh áp lực cực độ mà lực lượng này phải chịu trong thời gian qua. "Ngay cả khi nghỉ phép, chúng tôi cũng không thể tận hưởng thời gian nghỉ ngơi bình thường. Người biểu tình thậm chí còn xuất hiện ở lễ cưới của các cảnh sát", ông chia sẻ.
Các sĩ quan cảnh sát Hong Kong đang được hỗ trợ điều trị tâm lý để có thể giải tỏa căng thẳng, áp lực. "Chúng tôi là cơ quan duy nhất mà toàn bộ đặc khu có thể dựa vào. Đối với những công dân tuân thủ luật pháp, chúng tôi là nơi họ có thể tin tưởng", chỉ huy khẳng định.
Các sĩ quan cảnh sát Hong Kong cho rằng tình hình có thể được cải thiện nếu tòa án thực thi các biện pháp quyết liệt hơn như xét xử nhanh và hạn chế bảo lãnh tại ngoại đối với những người biểu tình có hành vi bạo lực.
Các cuộc biểu tình bùng phát từ đầu tháng 6 nhằm chống lại dự luật dẫn độ, cho phép đưa nghi phạm tới các khu vực chưa ký hiệp ước dẫn độ, trong đó có Trung Quốc đại lục, đã đẩy Hong Kong lâm vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong hàng thập kỷ.
Không chỉ yêu cầu rút hoàn toàn dự luật dẫn độ, người biểu tình còn đưa ra 4 yêu sách khác với Trưởng đặc khu Carrie Lam, bao gồm điều tra về hành vi bạo lực của cảnh sát với người biểu tình, miễn tội cho những người bị bắt, rút lại việc coi các cuộc biểu tình là hành vi bạo loạn và khởi động quá trình cải cách chính trị đang bị đình trệ của đặc khu. Tuy nhiên, bà Lam bác bỏ những yêu cầu này của người biểu tình.
Ngọc Ánh (Theo CNN)