Tiếng rên rỉ vang khắp nơi, làm nền cho tiếng hú chói tai của xe cứu thương. Nhưng thanh niên mình trần nằm bất động trên sàn nhà chờ được cấp cứu. Địa điểm xảy ra thứ được cho là một vụ tấn công nằm ở gần thủ đô Damascus ngày 21/8.
Video: Những người "bị tấn công hóa học" trong bệnh viện
Đoạn video được phe đối lập ở Syria công bố đi kèm với lời cáo buộc quân đội chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học, gây choáng váng cho cộng đồng quốc tế. Chính phủ của tổng thống Assad bác bỏ cáo buộc, trong khi các nước phương Tây và Liên hợp quốc đòi đưa thanh sát vào điều tra hiện trường.
Liên minh Quốc gia, tức phe đối lập ở Syria, tuyên bố hơn 1.300 người đã thiệt mạng do hít phải khí độc hại trong vụ tấn công.
Các chuyên gia cho hay hình ảnh các trẻ em bị co giật và ngạt thở trong các video cho thấy có thể chúng đã hít phải khí độc. Tuy nhiên, họ khẳng định chỉ có xét nghiệm máu và nước tiểu mới đưa ra được kết luận chính xác.
Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria là một "tội ác chống nhân loại" và "không còn thời gian" để chần chừ trong việc điều tra về cáo buộc tấn công làm hàng trăm người thiệt mạng nữa.
Tổng thư ký LHQ, Ban Ki-moon mô tả những báo cáo về các vụ tấn công gần thủ đô Damascus hôm 21/8 là "rất sốc và đáng báo động", đồng thời kêu gọi chính quyền Syria cho phép một đoàn thanh tra Liên Hợp Quốc, đang có mặt ở nước này, bắt đầu cuộc điều tra mà không trì hoãn thêm nữa.
"Việc sử dụng vũ khí hóa học ở bất kỳ đâu, bởi bất kỳ ai, dưới bất kỳ trường hợp nào, đều vi phạm luật pháp quốc tế", AFP dẫn lời ông Ban nói. "Với một tội ác chống loài người như thế, thủ phạm sẽ phải lĩnh hậu quả nghiêm trọng".
"Không có thời gian để lãng phí nữa", ông thúc giục và cho biết thêm rằng đã chỉ đạo phái viên về vấn đề giải trừ quân bị, Angela Kane, đến Damascus ngay lập tức. "Tôi không nghĩ ra lý do nào để phe chính phủ hay phe đối lập từ chối cơ hội được biết sự thật của vấn đề cả", ông nói.
Hơn 100.000 người đã thiệt mạng trong cuộc nội chiến kéo dài 29 tháng ở Syria, trong khi hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Khoảng một triệu trẻ em Syria hiện sống tị nạn ở nước ngoài.
Anh Ngọc