Canada cân nhắc giảm một nửa số nhân viên đại sứ quán tại Cuba sau khi nhà ngoại giao thứ 14 của nước này mắc căn bệnh với triệu chứng chóng mặt, buồn nôn và tổn thương tai vì âm thanh lạ. Nhà ngoại giao này tới Cuba vào mùa hè năm ngoái và ngã bệnh ngày 29/12/2018, TASS đưa tin.
Một quan chức ngoại giao Canada ngày 30/1 cho biết các trường hợp mắc bệnh "sau khi nghe những âm thanh lớn và chói tai" được ghi nhận vào đầu năm 2017, trùng thời điểm nhiều nhà ngoại giao Mỹ tại Cuba mắc chứng bệnh với triệu chứng tương tự. Phần lớn nhân viên ngoại giao tại đại sứ quán Canada đổ bệnh trong năm 2017, hai ca bệnh mới nhất xảy ra vào tháng 11 và 12 năm ngoái.
Chính phủ Canada quyết định cho phép các nhân viên đại sứ quán ở Cuba về nước nếu có nguyện vọng, số nhân viên tại đây có thể giảm từ 16 xuống còn 8 người. Các nhân viên ngoại giao ở lại Cuba sẽ tiếp tục đảm nhiệm các thủ tục lãnh sự nhưng các chương trình không thiết yếu sẽ bị loại bỏ, quan chức ngoại giao Canada cho biết.
"Đây là hành động hùa theo Mỹ của Canada. Nhiều quan chức cao cấp trong ngành ngoại giao Mỹ đang cố gắng gây căng thẳng trong quan hệ song phương, tìm cách mô tả đất nước chúng tôi là mối đe dọa. Quyết định của Canada trái ngược với trình độ, vị thế và sự hiện diện của các nhân viên ngoại giao nước này tại nhiều thủ đô khác, nơi họ không được hưởng sự an toàn, yên tĩnh, được đảm bảo sức khỏe và được đón tiếp nồng hậu như ở Cuba", Đại sứ Cuba tại Canada Josefina Vidal nói.
Vidal cho biết Cuba hợp tác chặt chẽ với Canada trong quá trình điều tra nguyên nhân căn bệnh lạ, cử các chuyên gia hàng đầu và cung cấp các bằng chứng. Trong quá trình điều tra, các chuyên gia không phát hiện bằng chứng các nhà ngoại giao Canada bị tổn thương não hay có các triệu chứng chóng mặt và buồn nôn.
Rắc rối sức khỏe không rõ nguyên nhân khiến Mỹ và Canada rút các nhà ngoại giao về nước. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tháng 1/2019 tuyên bố không tìm thấy bằng chứng cho giả thuyết "Cuba dùng vũ khí sóng siêu âm tấn công các nhà ngoại giao" vốn được Tổng thống Donald Trump ủng hộ. Cuba bác cáo buộc này.
"Tôi có thể nói dứt khoát rằng đoạn âm thanh do AP ghi lại là của một con dế", nhà sinh vật học Alexander Stubbs tại Đại học California khẳng định. Stubbs và nhà âm học côn trùng Fernando Montealage tại Đại học Lincoln, Anh phân tích bản thu âm thanh lạ khiến các nhà ngoại giao mắc bệnh do hãng tin AP cung cấp và kết luận đó là tiếng gọi bạn tình của loài dế Indies đuôi ngắn.
Nguyễn Tiến