"Các đối tác dẫn độ của chúng tôi không nên chính trị hóa quá trình dẫn độ hoặc sử dụng nó cho mục đích khác ngoài việc theo đuổi công lý và tuân theo luật pháp", Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland nói với các phóng viên hôm 12/12, theo Reuters.
Bình luận của Ngoại trưởng Canada được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố có thể can thiệp vụ Ottawa bắt giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu theo đề nghị của Washington nếu việc đó "giúp hiện thực hóa thỏa thuận thương mại lớn nhất lịch sử hoặc tốt cho an ninh quốc gia". Giám đốc Huawei bị bắt khi đang đổi chuyến ở sân bay quốc tế Vancouver hôm 1/12 và được tại ngoại hôm 11/12.
Bà Freeland nhấn mạnh quá trình pháp lý không nên bị đánh đồng với mục đích chính trị và các luật sư của bà Mạnh có thể dựa vào bình luận của Trump để lập luận phản đối yêu cầu dẫn độ. Freeland cũng cho biết một công dân Canada gọi điện thông báo ông đang bị chính quyền Trung Quốc thẩm vấn. Bộ Ngoại giao Canada chưa thể liên lạc lại với người này.
Sự việc xảy ra sau khi cựu nhân viên ngoại giao Canada Michael Kovrig bị Trung Quốc bắt đêm 10/12. Quan chức Canada nói rằng Trung Quốc khẳng định vụ bắt Kovrig không phải hành động trả đũa nhưng các chuyên gia ngoại giao Canada cho biết họ không nghi ngờ gì về việc trường hợp này liên quan đến vụ giám đốc Huawei.
Mạnh Vãn Chu bị Mỹ nghi ngờ lừa dối các ngân hàng quốc tế để bán thiết bị máy tính do Mỹ sản xuất cho Iran, vi phạm lệnh cấm vận Washington áp đặt lên Tehran. Bà Mạnh được tòa Canada cho tại ngoại với 7,5 triệu USD tiền bảo lãnh.
Hiện Mỹ chưa đưa ra kiến nghị dẫn độ chính thức đối với bà Mạnh. Một khi yêu cầu này được đưa ra, Bộ trưởng Tư pháp Canada sẽ phải quyết định liệu có dẫn độ giám đốc Huawei sang Mỹ hay không. Bộ trưởng Tư pháp Canada có thể từ chối yêu cầu của Mỹ nếu phát hiện mục đích không chính đáng. Quan chức chính phủ Canada nhận định bà Mạnh có nhiều lựa chọn pháp lý để chống việc bị dẫn độ và quá trình này có thể mất vài năm.