"Trong triều đại Heisei, Nhật Bản đã chứng kiến nhiều thảm họa thiên nhiên và tình hình kinh tế trì trệ", Kaori Hisatomi, 47 tuổi, nói trong lúc Nhật hoàng Akihito hôm nay tiến hành các nghi thức thoái vị. "Đó là giai đoạn chuyển giao từ thời kỳ phát triển nhanh với tâm thế 'anh có thể làm việc 24 giờ mỗi ngày'. Thanh niên thời nay không nghĩ như vậy nữa. Giờ đây, họ phải bận tâm với câu hỏi: 'Tôi có thể làm gì để tồn tại?'"
Nhiều người Nhật bày tỏ lòng biết ơn đối với Nhật hoàng Akihito trước thời điểm nhà vua thoái vị sau ba thập niên trị vì Nhật Bản. Triều đại Heisei là giai đoạn chuyển giao và đầy khó khăn của đất nước Nhật Bản sau thời kỳ kinh tế bùng nổ vào thập niên 1980.
Hơn lúc nào hết, người dân hy vọng triều đại thứ 248 của Nhật Bản với niên hiệu Reiwa (Lệnh hòa) sắp được chuyển giao cho Thái tử Naruhito sẽ mang đến sự an lạc. Thái tử 59 tuổi sẽ kế thừa "Ngai vàng Hoa Cúc" vào ngày 1/5.
Nhật hoàng Akihito lên ngôi vào năm 1989 sau khi cha ông qua đời. Theo các nhà sử học, Nhật hoàng Akihito đã có vai trò rất lớn trong việc xây dựng lại hình ảnh của hoàng gia và hoàng đế. Ông tích cực thúc đẩy hòa bình, phản đối chủ nghĩa dân tộc, bày tỏ "hối hận sâu sắc" về quá khứ của Nhật Bản và kêu gọi ghi nhớ lịch sử thay vì sửa đổi nó sai sự thật.
Ngoài các nhiệm vụ chủ trì nghi lễ tôn giáo hay tiếp đón quan khách nước ngoài, Nhật hoàng Akihito còn trở thành người an ủi, chia sẻ nỗi buồn với những người sống sót sau các thảm họa thiên nhiên. Đa số người Nhật nói rằng họ có thiện cảm hoặc kính trọng ông.
Triều đại Heisei bắt đầu ngay trước khi bong bóng kinh tế Nhật Bản vỡ với thị trường chứng khoán lao dốc và bất động sản đóng băng. Hàng thập niên phát triển nóng và giảm phát khiến người dân Nhật Bản kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng và vị thế ngày càng lớn mạnh của đất nước trên thế giới. "Cách nghĩ đã thay đổi", Hisatomi nói. "Hiện nay người ta không còn tin tưởng lắm vào một nền kinh tế phát triển lành mạnh".
Eiji Kaneko đến từ thành phố Osaka, cũng cho rằng Nhật Bản đã thay đổi dưới thời của Nhật hoàng Akihito. "Đó là một bước ngoặt", người đàn ông 44 tuổi nói. "Triều đại Heisei bắt đầu vào đúng thời điểm tôi đang kiếm việc làm. Tôi thuộc thế hệ bùng nổ dân số thứ hai nên cuộc cạnh tranh trên thị trường lao động rất khốc liệt. Tôi quyết định bỏ học đại học sau hai năm và mở quán cafe. Giờ đây tôi đã có trong tay 12 nhà hàng và việc kinh doanh bất động sản".
Nhật Bản cũng phải đối mặt với nhiều thảm họa thiên nhiên trong suốt ba thập niên qua, bao gồm thảm họa kép động đất và sóng thần năm 2011 dẫn đến khủng hoảng rò rỉ phóng xạ ở nhà máy điện hạt nhân. Năm 1995, Nhật Bản hứng chịu vụ động đất tàn phá cảng Kobe và cuộc tấn công bằng khí độc sarin vào hệ thống tàu điện ngầm ở Tokyo.
Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko luôn có mặt tại những nơi xảy ra thảm họa để động viên người dân. Năm 1991, ông khiến nhiều người bất ngờ khi xắn tay áo, cởi giày, ngồi xuống ngang tầm những người sống sót sau một vụ phun trào núi lửa để trò chuyện với họ.
"Cách tiếp cận hiện đại hơn của ông từng được coi là mạo hiểm", Yuji Otabe, giáo sư lịch sử tại Đại học Phúc lợi Shizuoka, nói. "Đó là một canh bạc. Hành động như vậy không thể xảy ra trong quá khứ vì hoàng đế khi đó được coi như thánh thần". Những thay đổi đó đã giúp Nhật hoàng Akihito được công chúng yêu mến.
Đứng bên ngoài Hoàng cung, ông Naoomi Kuroshima, 64 tuổi đến từ đảo Hokkaido, cho biết ông ở đây một lần cuối bày tỏ sự kính trọng và biết ơn đối với Nhật hoàng. Ông nhớ lại chuyến thăm của Nhật hoàng và Hoàng hậu tới đảo Hokkaido vào năm ngoái.
"Tôi buồn nhưng cũng cảm thấy hy vọng về triều đại sắp tới", ông Masatoshi Kujirai, 56 tuổi, nói. "Tôi hy vọng đó sẽ là triều đại thanh bình, một thời kỳ nhẹ nhàng cho nửa phần đời còn lại của tôi".
Ông Masato Saito, một công nhân xây dựng 40 tuổi, lại không tỏ ra quan tâm lắm. "Hôm nay chỉ là một ngày bình thường. Những sự kiện chính trị như thế này không liên quan đến dân thường chúng tôi. Miễn sao họ có thể làm cuộc sống dễ chịu, đó là tất cả những gì tôi quan tâm".
An Hồng (Theo SCMP)