Tàu dầu Stena Impero. Ảnh: AFP. |
"Ấn Độ đang liên lạc với Iran để đảm bảo 18 công dân trên tàu Stena Impero đều an toàn và sớm được trả tự do", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar ngày 20/7 cho biết. Thuyền trưởng của con tàu bị Iran bắt cũng là người Ấn Độ.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Philippines thông báo sẽ đề nghị Iran trả tự do cho một công dân có mặt trên tàu Stena Impero, đồng thời đã báo tin cho gia đình của thủy thủ bị bắt.
Đại sứ quán Nga tại Iran xác nhận có ba công dân trên tàu Stena Impero, hai người là thợ máy bậc hai và một là thợ điện. "Đại sứ quán chưa thể liên lạc với các công dân. Chúng tôi đang liên hệ với phía Iran về vấn đề này", đại diện đại sứ quán Nga cho biết.
Tàu dầu Stena Impero đang neo đậu tại cảng Bandar Abbas của Iran sau khi bị bắt ngày 19/7. 23 thủy thủ sẽ ở lại trên tàu tới lúc cơ quan chức năng Iran điều tra xong nguyên nhân vụ tai nạn. Thành viên thủy thủ đoàn gồm 18 người Ấn Độ, ba người Nga, một người Latvia và một người Philippines.
Đức và Pháp tuyên bố quan ngại sâu sắc trước vụ Iran bắt tàu Stena Impero, đồng thời bày tỏ đoàn kết với Anh. Bộ Ngoại giao Anh đã triệu tập tham tán Iran sau vụ bắt tàu. Anh, Pháp và Đức từng tham gia ký thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015 và đang tìm cách duy trì nó sau khi Mỹ rút lui.
Căng thẳng tại Vùng Vịnh gia tăng trong thời gian gần đây sau loạt vụ tấn công vào tàu hàng đi qua khu vực và vụ Iran bắn hạ máy bay không người lái của Hải quân Mỹ. Thủy quân lục chiến Anh ngày 4/7 bắt tàu dầu MT Grace 1 đang chở hàng cho Iran ngoài khơi lãnh thổ hải ngoại Gibraltar với cáo buộc chở dầu thô tới Syria, vi phạm lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu EU. Iran bác bỏ và nói tàu MT Grace 1 chuyển số dầu đến cảng Basra của Iraq.
Vị trí thành phố cảng Bandar Abbas, Iran, nơi tàu Stena Impero neo đậu. Đồ họa: CNN. |
Nguyễn Tiến (Theo AFP, TASS)