"Trước những tai tiếng tại quốc hội Canada liên quan việc vinh danh thành viên nhóm tội phạm SS Galizien của Đức Quốc xã trước Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, tôi đã thực hiện các bước hướng tới khả năng dẫn độ người đàn ông này đến Ba Lan", Bộ trưởng Giáo dục Ba Lan Przemysław Czarnek đăng trên mạng xã hội X ngày 26/9.
Trong thư gửi Viện Tưởng niệm Quốc gia Ba Lan, cơ quan nghiên cứu và điều tra tội ác trong quá khứ nhằm vào đất nước Ba Lan, ông Czarnek yêu cầu viện "khẩn trương kiểm tra" liệu Yaroslav Hunka có bị truy nã vì tội chống lại người Ba Lan gốc Do Thái hay không.
"Những dấu hiệu phạm tội như vậy sẽ là căn cứ để đề nghị Canada về việc dẫn độ", ông nêu trong thư.
Trong chuyến thăm Canada của Tổng thống Zelensky tuần trước, Chủ tịch quốc hội Anthony Rota giới thiệu Hunka, 98 tuổi, là "cựu binh người Canada gốc Ukraine trong Thế Chiến II đã chiến đấu vì nền độc lập của Ukraine" và ca ngợi ông này là "người hùng của cả hai nước". Các nghị sĩ sau đó đứng dậy hoan nghênh.
Tuy nhiên, nhóm hoạt động vì quyền của người Do Thái FSWC hôm 24/9 chỉ ra Hunka từng phục vụ trong sư đoàn Waffen Grenadier số 14 (tên gọi khác của SS Galizien), đơn vị dưới sự chỉ huy của Adolf Hitler chống lại Hồng quân Liên Xô trong Thế chiến II.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 25/9 mô tả bình luận của ông Rota là "đáng xấu hổ". Ông Rota hôm 26/9 thông báo từ chức.
Bộ trưởng Tư pháp Canada Arif Virani cho biết chính phủ Ba Lan chưa liên lạc với ông về yêu cầu dẫn độ và từ chối bình luận thêm.
Robert Currie, giáo sư luật tại Đại học Dalhousie của Canada, nói rằng Canada không có thỏa thuận dẫn độ chính thức với Ba Lan. "Điều đó không cản trở việc dẫn độ, nhưng nó khiến vấn đề phức tạp hơn về thủ tục giấy tờ giữa hai chính phủ", giáo sư Currie cho hay.
Theo ông, Canada và Ba Lan có thể đồng ý dẫn độ với điều kiện Warsaw phải đưa ra bằng chứng cho thấy Hunka đã phạm tội. Ông này không thể bị dẫn độ chỉ với lý do ông là thành viên SS Galizien.
Tuổi tác và sức khỏe của Hunka có thể là những rào cản đối với việc dẫn độ. Hunka cũng có thể đệ đơn khiếu nại lệnh dẫn độ lên tòa án và quá trình sẽ mất nhiều năm.
Huyền Lê (Theo Politico, CBC)