"Như ngài đã biết, tôi đang bị khiếu nại liên quan đến các tin nhắn mà tôi đã gửi cho một đồng nghiệp", ông Williamson viết trong lá thư từ chức gửi Thủ tướng Anh Rishi Sunak. "Tôi tuân thủ quy trình này và đã xin lỗi người nhận vì những tin nhắn đó. Sau đấy, đã có những cáo buộc khác về hành vi trong quá khứ của tôi. Tôi bác bỏ các mô tả trong những tuyên bố này, nhưng tôi nhận ra rằng chúng đang trở thành thứ gây phân tâm đối với công việc tốt đẹp mà chính phủ đang làm cho người dân Anh".
"Vì thế, tôi quyết định rút lui khỏi chính phủ để có thể tuân thủ đầy đủ quy trình khiếu nại đang được tiến hành và làm thanh sạch tên tôi trước bất kỳ hành vi sai trái nào", ông nói thêm.
Thủ tướng đã chấp nhận đơn từ chức của Bộ trưởng Williamson "với nỗi buồn sâu sắc", theo hãng thông tấn PA. "Tôi muốn cảm ơn tinh thần ủng hộ và lòng trung thành của cá nhân ngài", ông Sunak đáp lại.
Williamson chỉ giữ chức trong chính quyền Sunak 14 ngày. Được coi là một đồng minh thân cận của Thủ tướng, ông đã phải đối mặt với hàng loạt lời kêu gọi từ chức sau nhiều cáo buộc bắt nạt đồng nghiệp.
Cựu phó ban kỷ luật của chính phủ Anne Milton mô tả những hành động của Williamson vào 5 năm trước, khi ông giữ vị trí trưởng ban, là "đe dọa" và "đáng sợ" trong một cuộc phỏng vấn với kênh Channel 4 hôm 2/11. Milton cũng mô tả hành vi của Williamson là "vô đạo đức và trái đạo lý".
"Tôi có ấn tượng rằng ông ấy rất thích những câu chuyện phiếm khoa trương và sẽ sử dụng chúng như công cụ chống lại các nghị sĩ khác nếu cần", bà cho hay.
Williamson vẫn chưa phản ứng công khai trước những tuyên bố của Milton. Nghị sĩ đảng Bảo thủ trước đây từng bị thủ tướng Theresa May sa thải khỏi chức bộ trưởng quốc phòng vào năm 2019 vì làm rò rỉ một quyết định quan trọng của chính phủ liên quan đến tập đoàn viễn thông Huawei, Trung Quốc.
Quyết định của bà May được đưa ra sau một cuộc điều tra về việc làm thế nào tờ Daily Telegraph phát hiện ra rằng chính phủ Anh đang chuẩn bị cấp cho Huawei quyền truy cập vào các phần của mạng di động 5G tại nước này. Williamson thời điểm đó kiên quyết phủ nhận mình là nguồn gốc vụ rò rỉ.
Thủ tướng Boris Johnson sau đó bổ nhiệm ông làm Bộ trưởng Giáo dục. Lúc này, ông tiếp tục gặp sóng gió chính trị khi áp dụng một thuật toán chấm điểm thi gây tranh cãi trong đại dịch Covid-19. Hệ thống này sau đó bị loại bỏ do phụ huynh, học sinh và giáo viên phản đối mạnh mẽ. Cựu thủ tướng Johnson cách chức ông vào năm ngoái trong một cuộc cải tổ nội các.
Vũ Hoàng (Theo CNN)