Thứ năm, 28/3/2024
Chủ nhật, 25/9/2022, 11:16 (GMT+7)

Biểu tình rung chuyển Iran

Hàng nghìn người biểu tình ở 15 thành phố Iran hơn một tuần qua sau cái chết của người phụ nữ bị "cảnh sát đạo đức" ở Tehran bắt.

Biểu tình bùng phát và lan rộng ở Iran sau cái chết của Mahsa Amini, 22 tuổi, người bị "cảnh sát đạo đức" ở thủ đô Tehran bắt giam với cáo buộc "quần áo không đàng hoàng" vì mang khăn trùm hijab không phù hợp luật Hồi giáo. Amini bị bắt ngày 13/9, nhập viện trong tình trạng hôn mê và tử vong ngày 16/9. Giới chức nói rằng cô bị đột quỵ và đau tim.

Cái chết của Amini làm dấy lên sự tức giận về các vấn đề bao gồm hạn chế quyền tự do ở Iran và một nền kinh tế đang quay cuồng với các lệnh trừng phạt.

Phụ nữ đóng vai trò nổi bật trong các cuộc biểu tình. Họ vẫy tay, đốt mạng che mặt, một số còn cắt tóc ở nơi công cộng.

Đám tang Amini được tổ chức ngày 17/9. Các nhà hoạt động nhân quyền tại Iran cho biết Amini bị chấn thương nặng ở vùng đầu khi cảnh sát bắt cô. Vết thương khiến nạn nhân hôn mê suốt ba ngày rồi qua đời.

Cảnh sát trưởng Tehran cho rằng Amini bị bệnh động kinh và tiểu đường, song cha cô bác bỏ, khẳng định cô không có vấn đề gì về sức khỏe và bị bầm tím ở chân khi bị giam. Cảnh sát phủ nhận hành hung Amini.

Hơn một tuần sau cái chết của Amini, biểu tình đã lan rộng ở 15 thành phố của Iran. Đám đông biểu tình đã đốt lửa dưới chân một cầu vượt ở Tehran ngày 21/9.

Trong đêm biểu tình thứ năm ở Tehran, cảnh sát sử dụng hơi cay và bắt một số người để giải tán đám đông lên tới 1.000 người.

Người biểu tình dựng rào chắn ở đường phố Tehran.

Các vụ đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh Iran khiến ít nhất 35 người thiệt mạng, theo cập nhật đêm 23/9 của hãng thông tấn nhà nước Borna.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã gọi điện chia buồn với người thân một nhân viên an ninh thiệt mạng tuần qua. Kết quả điều tra ban đầu cho biết nạn nhân bị đâm bằng dao. Hung thủ có thể là người biểu tình phản đối các điều luật Hồi giáo mang tính bảo thủ ở Iran.

Những thùng rác bị đốt trong cuộc biểu tình ở thủ đô Tehran khi người biểu tình đối đầu lực lượng cảnh sát.

Tổng thống Raisi nhấn mạnh chính phủ Iran cần "xử lý quyết đoán những ai đe dọa an ninh và bình yên quốc gia" trong làn sóng biểu tình lần này.

Những chiếc xe máy bị đốt trên đường phố khi biểu tình lan rộng trên khắp Iran.

Biểu tình rung chuyển Iran
 
 

Hỗn loạn trên đường phố Iran. Video: Al Jazeeera.

Bộ Nội vụ Iran Ahmad Vahidi cam kết tiếp tục điều tra cái chết của Mahsa Amini, đồng thời kêu gọi người dân kiên nhẫn chờ kết quả giám định pháp y chính thức.

Ông Vahidi đồng thời chỉ trích "một số lực lượng thiếu trách nhiệm đang kích động bạo lực, chống lưng bởi Mỹ, các nước châu Âu và những nhóm chống phá cách mạng Hồi giáo".

Không chỉ ở Iran, biểu tình còn diễn ra ở một số nước như Mỹ, Đức, Hy Lạp, Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ sau cái chết của Amini. Trong ảnh là đám đông biểu tình cầm ảnh của Amini trước trụ sở Liên Hợp Quốc ở thành phố New York, Mỹ ngày 21/9.

Người biểu tình đụng độ cảnh sát chống bạo động bên ngoài đại sứ quán Iran ở Athens, Hy Lạp ngày 22/9.

Cô gái cầm theo hai nắm tóc trong đám đông biểu tình ở Berlin, Đức ngày 23/9.

Liên Hợp Quốc đã kêu gọi một cuộc điều tra khách quan về cái chết của Amini. "Chúng tôi lên án mạnh mẽ việc sử dụng bạo lực đối với phụ nữ và việc phủ nhận phẩm giá cơ bản của con người khi thực thi các chính sách trùm đầu bắt buộc do nhà nước ban hành", các chuyên gia LHQ cho biết trong tuyên bố ngày 22/9.

Ảnh: AFP, AP, Reuters