"Khi đó, tôi không thấy vui mừng", Rabia Kanwal, 22 tuổi, sống tại một khu phố nghèo ở Gujranwala, tỉnh Punjab, miền đông Pakistan, nói về đám cưới được thu xếp giữa cô và chú rể người Trung Quốc hồi tháng 2. "Tôi linh cảm điều tồi tệ sẽ đến".
Bố mẹ Kanwal khi đó hy vọng rằng con gái mình sẽ có tương lai tươi sáng khi kết hôn với một người Hồi giáo giàu có ở Trung Quốc, giúp cô thoát khỏi cuộc sống khó khăn ở quê nhà.
Hôn nhân qua mai mối rất phổ biến ở Pakistan, nhưng trường hợp của Kanwal không bình thường. Chú rể tự xưng là một nông dân chăn nuôi gia cầm giàu có, đã gặp gia đình Kanwal trong một tháng ở lại Pakistan nhờ visa du lịch. Anh ta phải sử dụng ứng dụng phiên dịch tiếng Trung Quốc - Urdu để giao tiếp với họ và tạo được ấn tượng tốt.
Kanwal lấy chồng, nhưng khi chuyển tới Trung Quốc với người chồng mới, cô "vỡ mộng" vì sự thật phũ phàng. Chồng cô thực tế là một nông dân nghèo, còn tệ hơn, anh ta không phải người Hồi giáo. Nhờ sự giúp đỡ của sứ quán Pakistan, Kanwal quay lại quê nhà vài ngày sau đó và nộp đơn xin ly hôn.
Cuộc hôn nhân của Kanwal dù sao cũng kết thúc thuận lợi. Dư luận Pakistan vài tuần qua rung chuyển bởi cáo buộc rằng ít nhất 150 phụ nữ nước này đã bị lừa sang Trung Quốc làm cô dâu, thậm chí bị ép làm gái mại dâm. Một số người cho hay họ phải làm việc trong quán bar và câu lạc bộ, điều không thể chấp nhận trong văn hóa Hồi giáo bảo thủ ở Pakistan.
Câu chuyện của Kanwal cũng không phải hiếm gặp ở Trung Quốc. Quốc gia này có tỷ lệ chênh lệch giới tính lớn nhất thế giới là 106,3 nam/100 nữ vào năm 2017, theo Ngân hàng Thế giới. Đây được cho là hậu quả của gần 30 năm thực thi nghiêm ngặt chính sách một con và tư tưởng trọng nam khinh nữ trong xã hội Trung Quốc.
Nhưng cái giá lâu dài của tình trạng chênh lệch giới tính mới xuất hiện gần đây và tác động của nó đang vượt qua cả biên giới Trung Quốc. Khi các cậu bé của thời đại chính sách một con trưởng thành và đến tuổi kết hôn, nhu cầu về những cô dâu ngoại quốc như Kanwal tăng lên, dù chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng chính sách kế hoạch hóa gia đình.
Cáo buộc về các vụ buôn bán người là vấn đề đáng lo ngại khi Trung Quốc đang ngày càng tăng cường sự hiện diện tại Pakistan, đồng minh lâu năm ngày càng thân thiết nhờ mở rộng quan hệ kinh tế với Trung Quốc, bao gồm dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong sáng kiến Vành đai và Con đường.
Ngày càng nhiều người Trung Quốc đến Pakistan theo dạng lao động và đầu tư. Tại thủ đô Islamabad, nhiều cửa hiệu và ngành dịch vụ mới mọc lên để phục vụ riêng cho đối tượng khách hàng này.
Chính phủ Pakistan đã truy quét các đường dây môi giới hôn nhân ngoại quốc, bắt và truy tố ít nhất 20 công dân Trung Quốc và Pakistan với tội danh buôn người. Đại sứ quán Trung Quốc tại Pakistan phủ nhận cáo buộc các cô dâu Pakistan bị ngược đãi ở Trung Quốc.
"Cả Pakistan và Trung Quốc nên nghiêm túc nhìn nhận các bằng chứng cho thấy phụ nữ và trẻ em gái Pakistan có nguy cơ bị ép làm nô lệ tình dục", giám đốc Tổ chức Quan sát Nhân quyền (HRW) tại Trung Quốc Sophie Richardson cho hay.
Điều tra viên Pakistan cho biết nhiều đàn ông Trung Quốc tới Pakistan thuê nhà, trả tiền cho những kẻ môi giới để giúp họ kết hôn với phụ nữ địa phương. Họ phải trang trải trả tiền thách cưới, một số trường hợp chi tới hàng nghìn USD cho nhà gái.
Những hành vi này không bị coi là trái pháp luật ở Pakistan. Họ chỉ bị truy tố tội buôn người khi ép buộc các cô gái Pakistan tham gia đường dây mại dâm hoặc lừa họ sang Trung Quốc. Trong một số vụ, một số chú rể Trung Quốc đã giả mạo giấy tờ để tự nhận mình là người Hồi giáo.
Một số đàn ông Trung Quốc tìm vợ là người Công giáo thiểu số ở Pakistan, những người xuất thân nghèo khó và bị phân biệt đối xử. Tuy nhiên, đa số phụ nữ, cả Công giáo và Hồi giáo, đều bị hấp dẫn bởi viễn cảnh kinh tế khá hơn khi lấy chồng "ngoại".
"Bố mẹ tôi bảo mấy chị hàng xóm lấy chồng Trung Quốc sống rất hạnh phúc, vì thế tôi cũng sẽ giống họ", Kanwal nói.
Cô gặp chồng tại văn phòng môi giới hôn nhân ở Islamabad, nơi có rất nhiều đàn ông Trung Quốc và phụ nữ Pakistan khác. Người chồng nói với Kanwal rằng anh ta là người Hồi giáo, thậm chí còn đọc câu đầu tiên trong kinh Coran, điều mà mọi tín đồ đều phải biết. Nhưng Kanwal chưa bao giờ thấy anh ta cầu nguyện, cả khi họ tới thăm nhà thờ Hồi giáo Faisal nổi tiếng ở Islamabad.
Sau đám cưới vào tháng 2, họ bay tới Urumqi, thủ phủ vùng Tân Cương ở phía tây Trung Quốc, rồi tới tỉnh Hà Nam, miền đông đất nước. Sau 4 giờ lái xe qua cánh đồng, hai người tới làng Dongzhang ở tỉnh Sơn Đông, nơi Kanwal nhìn thấy trang trại vịt của chồng. Đó không phải là trang trại lớn của một người đàn ông giàu có như cô hình dung, mà chỉ là một trại chăn nuôi khiêm tốn, nơi chồng cô sống cùng bố mẹ và hai em trai.
"Họ không theo đạo Hồi, anh ta đã lừa tôi", cô nói. "Thậm chí trong nhà còn không có nhà vệ sinh. Tôi lo lắng và bật khóc".
Chồng cô, Zhang Suchen, 33 tuổi, lại kể một câu chuyện khác.
Sau bữa ăn với gan lợn luộc, trứng xào cà chua ở gần nhà, người nông dân trẻ thừa nhận tới Pakistan cuối năm ngoái và trả khoảng 14.500 USD cho tay môi giới Trung Quốc với hy vọng cưới về nhà một cô dâu Pakistan.
Đó là chuyến đi đầu tiên của anh tới Pakistan và cảnh nghèo đói ở đó khiến anh nhớ lại Trung Quốc những năm 1980 và 1990. Lần đầu gặp Kanwal, anh đã thích cô nhưng anh cũng thừa nhận với cô rằng dù đã cải sang đạo Hồi theo giấy tờ, bản thân anh không phải tín đồ thực sự.
"Tôi đã nói với cô ấy mình không phải người Hồi giáo", Zhang nói, cho biết Kanwal đã dạy mình nguyên tắc đầu tiên của đạo Hồi. Tuy nhiên, Kanwal khẳng định mình không biết Zhang không phải người Hồi giáo và phủ nhận đã dạy chồng nguyên tắc đạo Hồi.
Zhang cho hay từng làm nhân viên kho vận ở miền nam Trung Quốc, giờ anh kiếm được 2.900 USD mỗi tháng nhờ nuôi vịt, nhiều hơn 180 USD so với mức thu nhập trung bình của nông dân Trung Quốc năm 2018.
Tuy không thể xác minh thông tin mà Zhang đưa ra, trong lần đến nhà anh gần đây, phóng viên New York Times thấy nhà cửa mới xây, có nhiều phòng ngủ và sàn gạch sáng bóng.
Mẹ của Zhang, một phụ nữ khoảng 60 tuổi, đã rất bối rối khi con dâu khóc lóc lúc vừa tới nhà. "Con bé là người theo đạo Hồi, vì thế tôi cố gắng không nấu thịt lợn trong bữa cơm", bà nói. "Tôi kho gà, tráng trứng cho con bé nhưng dù tôi làm món gì đi nữa, nó đều không chịu ăn".
Kanwal cho biết gia đình chồng nhốt cô trong phòng suốt hai ngày để ép cô ở lại, nhưng Zhang phủ nhận. Kanwal sau đó tìm cách gửi thư cho đại sứ quán Pakistan và nhờ họ báo với cảnh sát Trung Quốc. Họ tới nhà đưa cô đi và sứ quán sắp xếp cho Kanwal quay lại Pakistan.
Với Kanwal, 8 ngày ở Trung Quốc là quãng thời gian "kinh khủng, không nói nên lời". "Ngày nào tôi cũng cầu nguyện suốt nhiều tiếng, xin Thượng đế đưa tôi quay lại quê hương, với người nhà", Kanwal nói.
Đầu tháng 5, cô nộp đơn ly hôn tới tòa án gia đình ở Gujranwa, với lý do Zhang đã lừa cô bằng "những hành động vô đạo đức" và "thà chết còn hơn sống với anh ta".
Sau khi báo chí Pakistan đưa tin về các cuộc đột kích và bắt tội phạm buôn người, đại sứ quán Trung Quốc khẳng định luôn ủng hộ nỗ lực đối phó tội phạm của chính phủ Pakistan, nhưng phủ nhận cô dâu Pakistan ở Trung Quốc bị ép làm gái mại dâm hoặc bị mổ bụng lấy nội tạng theo cáo buộc của một số báo Pakistan. Các điều tra viên cho hay không thể chứng minh được những cáo buộc này.
Cũng trong thời gian Kanwal về Pakistan, trung tâm môi giới hôn nhân mà nhiều đàn ông ở Dongzhang tới xin giúp tìm vợ Pakistan đã đóng cửa. Theo Zhang và những người làng khác tại Dongzhang, có một vài cô dâu Pakistan vẫn ở lại. Hai người phụ nữ Paksitan ở làng bên cạnh thậm chí đang mang thai.
"Ở đây không có con gái", mẹ của Zhang trả lời khi được hỏi nguyên nhân nhiều đàn ông vùng này tới Pakistan tìm vợ. "Ngày trước chúng tôi không được phép sinh nhiều con, nên ai cũng chỉ muốn đẻ con trai".
Hồng Hạnh (Theo New York Times)