"Chỉ là gian lận mà thôi. Tất cả những gì họ hứa hẹn đều là giả dối", cha của Muqadas Ashraf, 16 tuổi, một nạn nhân từng bị lừa bán sang Trung Quốc nói hôm 14/4. Cha mẹ đồng ý gả Ashraf cho một người đàn ông Trung Quốc đến Pakistan tìm vợ cuối năm ngoái, nhưng chưa đầy 5 tháng sau, cô gái trẻ bụng mang dạ chửa trở về quê. Cô nói thường bị chồng ngược đãi và muốn ly hôn.
Mẹ của Ashraf, bà Nasreen cho biết bà được con rể người Trung Quốc hứa trả cho khoảng 5.000 USD, bao gồm chi phí cho đám cưới và tiền váy cưới cho con gái bà. "Nhưng tôi chưa thấy gì hết", bà nói. "Tôi đã tin rằng con gái có cơ hội sống một cuộc sống tốt hơn, và chúng tôi cũng vậy".
Ashraf kể lúc đầu chồng cô tuyên bố anh ta có nhiều tiền, nhưng khi cô về nhà chồng đầu tháng 12 năm ngoái thì thấy đó là "một căn nhà rất nhỏ, chỉ có một phòng và một phòng ngủ". Chồng hiếm khi cho cô ra khỏi nhà một mình. Vào đêm Giáng sinh, Ashraf bảo chồng đưa đến nhà thờ, anh ta đã tát cô và làm hỏng điện thoại của cô. "Tôi không có lời nào để diễn tả khoảng thời gian mấy tháng trước, tôi đã khổ sở như thế nào. Anh ta đe dọa tôi", cô gái trẻ nói. Cho đến khi gia đình Ashraf dọa sẽ báo cảnh sát, người chồng Trung Quốc mới đồng ý cho cô quay trở về Pakistan.
Mahek Liaqat, 19 tuổi ở cùng khu phố với Muqadas Ashraf cho biết cô không muốn nhưng bố mẹ nhất quyết bắt cô phải kết hôn. Người chồng Trung Quốc thường không cho cô ra khỏi nhà. "Anh ta thật kinh khủng", Liaqat nói.
Chồng Liaqat, Li Tao, tự nhận là một người cải đạo Cơ Đốc và làm việc cho một công ty nhà nước Trung Quốc chuyên xây dựng cầu đường, gặp Liaqat thông qua một người mai mối Pakistan. Li đưa vợ về quê nhà tại Giang Tô, Trung Quốc mùa đông 2018. Người này giải thích rằng chính Liaqat từ chối ra ngoài chứ không ép buộc vợ và phủ nhận việc lạm dụng cô. Cuối cùng, Li Tao cũng mua vé cho Liaqat quay trở về Pakistan.
Idriis Masih, ông ngoại của Liaqat cho biết ông đã liên lạc với cha mẹ của một số cô gái Pakistan là bạn của cháu gái mình nhằm chuyển lời rằng con gái họ đang sống trong tuyệt vọng và muốn trở về nhà, song các bậc phụ huynh này đều từ chối và nói rằng con gái họ đã kết hôn và có cuộc sống riêng.
Nhu cầu lấy vợ nước ngoài của đàn ông Trung Quốc ngày một tăng lên, được cho là hệ quả của chính sách một con được áp dụng từ năm 1979-2015, gây mất cân bằng giới tính nghiêm trọng. Ban đầu, các "cô dâu ngoại quốc" chủ yếu đến từ Việt Nam, Lào, Triều Tiên, và giờ là Pakistan. Mimi Vu, giám đốc Pacific Links, một công ty chuyên vận động và giúp đỡ phụ nữ Việt bị buôn bán sang Trung Quốc cho biết, trước đây, chú rể Trung Quốc thường hỏi "Da cô ấy có trắng không?", bây giờ thì chỉ cần giới tính nữ, họ sẽ đồng ý.
Dịch vụ môi giới buôn bán phụ nữ ở Pakistan bắt đầu "nở rộ" hồi cuối năm ngoái. Saleem Iqbal, một nhà hoạt động Cơ đốc giáo cho biết, chỉ tính từ tháng 10/2018, có khoảng 750-1.000 cô gái Pakistan kết hôn với đàn ông Trung Quốc thông qua các dịch vụ môi giới. Riêng Gujranwala, thành phố ở phía bắc Lahore được xem là điểm đến nhiều hứa hẹn với những kẻ môi giới, có hơn 100 phụ nữ và các cô gái trẻ Cơ Đốc giáo ở thành phố này kết hôn với đàn ông Trung Quốc những tháng gần đây.
Theo ông Iqbal, mỗi người đàn ông Trung Quốc tới đây tìm vợ bỏ ra trung bình từ 3.500-5.000 USD, bao gồm các khoản thanh toán cho cha mẹ vợ, linh mục và một nhà môi giới. Bản thân Iqbal đã từng tới tòa án để ngăn chặn các cuộc hôn nhân này và che chở cho các cô dâu bỏ trốn, một số cô dâu chỉ mới 13 tuổi.
"Đây là đường dây buôn lậu người", ông Aslam Augustine, chuyên trách các dân tộc thiểu số ở tỉnh Punjab, Pakistan nói. "Ham tiền bạc là nguồn gốc của những cuộc hôn nhân này. Tôi đã gặp một số cô gái trong số đó và họ rất nghèo", Augustine nói và cho biết thêm, hàng chục linh mục Pakistan được những kẻ môi giới trả tiền để tìm vợ cho đàn ông Trung Quốc. Số lượng các linh mục đến từ các nhà thờ nhỏ cứ thế sinh sôi cùng với nhu cầu tìm vợ. Đáng nói, các nhà thờ nơi xuất hiện các vị linh mục này chỉ là những căn nhà xây bằng xi măng sơ sài và không thể nhận biết nếu không được gắn hình thánh giá nhỏ phía bên ngoài.
Linh mục Munch Morris ở Gujranwala nói ông biết một nhóm các linh mục trong khu phố của mình làm việc cho những người môi giới hôn nhân Trung Quốc. Morris phản đối những cuộc hôn nhân như vậy. "Chúng tôi biết những cuộc hôn nhân này đều vì tiền", ông nói.
Rizwan Rashid, một giáo dân nhà thờ ở Gujranwala kể cách đây 2 tuần có một chiếc xe hơi dừng bên ngoài cổng nhà thờ. Hai người đàn ông Pakistan và một phụ nữ Trung Quốc trong xe hỏi anh rằng có biết bất kỳ cô gái nào muốn kết hôn với đàn ông Trung Quốc không. "Họ nói với tôi rằng cuộc sống của cô ấy sẽ rất tuyệt. Họ sẽ chi trả mọi thứ". Họ cũng sẵn sàng trả tiền cho anh để giúp đỡ, nhưng anh từ chối.
Những kẻ môi giới thậm chí còn tìm đến các lò gạch, nơi những người nghèo Cơ Đốc giáo phải làm việc để trả nợ rồi đề nghị trả hết nợ cho những người này, đổi lại, họ phải đồng ý gả con gái sang Trung Quốc. Robinson, một người đàn ông Pakistan làm nghề môi giới như thế ở Gujranwala. Anh này từ chối chia sẻ thông tin, nhưng vợ anh ta, Razia nói chồng mình thường sắp xếp các cuộc hôn nhân cho các cô gái Pakistan thông qua một công ty Trung Quốc có trụ sở ở Islamabad.
Các nạn nhân trẻ tuổi kể, Robinson cho các cô gái xem hình ảnh những chú rể "tiềm năng", sau đó đưa các cô gái đến một khu nhà trọ nhiều tầng ở Islamabad. Ở đó, từng cô sẽ xem mặt chồng tương lai và trải qua đêm tân hôn.
Liaqat, cô gái 19 tuổi trong câu chuyện kể trên nói cô đã ở với "chồng" trong một tháng trong khu trọ ở Islamabad và còn dự lễ cưới của những cô gái khác tổ chức ngay trong tầng hầm của khu nhà. Nhiều cô gái khác cũng kể về việc gặp chồng người Trung Quốc trong một khu nhà tương tự ở thành phố Lahore.
2,5 triệu người Cơ Đốc giáo là bộ phận thiểu số ở Pakistan, quốc gia đạo Hồi với khoảng 200 triệu dân. Họ cũng nằm trong số những người nghèo khổ nhất nước này. Tính gia trưởng sâu sắc trong cộng đồng người Cơ Đốc giáo khiến cha mẹ thường sắp đặt hôn nhân của con gái. Gia đình cô dâu là bên phải trả của hồi môn và chi phí đám cưới. Bởi vậy, nhiều cô dâu từng bị chồng và gia đình chồng đối xử ngược đãi khi cha mẹ cho hồi môn quá ít. Trong khi đó, các chú rể Trung Quốc đến Pakistan tìm vợ thường tỏ ra hào phóng, chu cấp tiền bạc cho cha mẹ cô dâu và chịu mọi chi phí đám cưới nên thường "được lòng" các phụ huynh Cơ Đốc giáo.
Thế nhưng, những cô gái Pakistan khi bị bán sang Trung Quốc làm vợ thường bị cô lập ở các vùng nông thôn hẻo lánh, dễ bị lạm dụng, họ không thể giao tiếp và phụ thuộc vào ứng dụng dịch thuật ngay cả khi chỉ muốn biểu đạt một ly nước.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 26/4, Tổ chức Giám sát Nhân quyền cho biết "ngày càng có nhiều bằng chứng về việc phụ nữ và trẻ em Pakistan có nguy cơ bị bắt, đưa sang Trung Quốc làm nô lệ tình dục", kêu gọi Trung Quốc và Pakistan cần hành động ngay để chấm dứt vấn nạn này. Hôm 6/5, cơ quan điều tra liên bang Pakistan bắt 8 người Trung Quốc và 4 người Pakistan nghi nằm trong đường dây liên quan đến buôn bán phụ nữ ở tỉnh Punjab.
Mai Lâm (Theo Stuff)