Với những lời hứa hẹn thay đổi mạnh mẽ, mang đậm màu sắc dân túy để thuyết phục tầng lớp bình dân và trung lưu đang giận dữ của nước Mỹ, tỷ phú Donald Trump đã giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng với đối thủ Hillary Clinton.
Tuy nhiên, sau khi đắc cử, để hàn gắn một nước Mỹ đang chia rẽ sâu sắc và hướng tới những mục tiêu lâu dài hơn, ông Trump và chính quyền mới nhiều khả năng sẽ phải điều chỉnh nhiều cam kết về đối ngoại và đối nội mà ông từng đưa ra trong chiến dịch tranh cử, theo Atlantico.
Theo bình luận viên, Jean-Marc Sylvestre, hành động bị coi là "thất hứa" này chắc chắn sẽ gây phản ứng từ các cử tri ủng hộ ông. Nếu không xử lý khéo léo, Trump có thể kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên và duy nhất tại Nhà Trắng trong tâm lý bất mãn của cử tri.
Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với chương trình "60 Phút" trên kênh CBS với tư cách tổng thống đắc cử, ông Trump khẳng định giữ nguyên cam kết xây dựng bức tường ngăn cách tại biên giới với Mexico, nhưng cho biết một số đoạn sẽ được thay thế bằng hàng rào.
Tuy tái khẳng định quyết tâm trục xuất khoảng ba triệu người nhập cư bất hợp pháp khỏi Mỹ, ông Trump vẫn không đề cập đến lời hứa cấm cửa toàn bộ người Hồi giáo nhập cư vào nước này. Đây được coi là cam kết có tác động mạnh đến những cử tri Mỹ coi vấn đề chống khủng bố là mối quan tâm hàng đầu của quốc gia hiện nay.
Ngoài ra, có những dấu hiệu cho thấy ông Trump sẽ không bãi bỏ hoàn toàn đạo luật Obamacare, không hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran, không đánh thuế cao các mặt hàng Trung Quốc như đã tuyên bố trước đó.
Dù không thực hiện những lời hứa quan trọng đó, nếu biết cách thuyết phục người dân, ông Trump vẫn sẽ vượt qua được khó khăn, giữ được uy tín đối với hàng chục triệu cử tri, tương tự trường hợp của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras.
Ông Tsipras giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2015 với cam kết chấm dứt chương trình "thắt lưng buộc bụng" kéo dài nhiều năm khiến người dân Hy Lạp rơi vào tình trạng hết sức khó khăn. Thế nhưng sau khi lên nắm quyền, ông buộc phải đảo ngược lời hứa này nhằm ký thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế và nhận được gói cứu trợ mới.
Mặc dù rất bất mãn về quyết định của Thủ tướng Tsipras, người dân Hy Lạp không thể phủ nhận những lý do giải thích do chính phủ đưa ra. Ông Tsipras đã thuyết phục được người dân rằng hành động thất hứa của ông chỉ nhằm mục đích bảo vệ tương lai toàn vẹn của khu vực Eurozone, tránh cho châu Âu một tương lai bất ổn nếu Hy Lạp vỡ nợ.
Trong trường hợp ngược lại, nếu không thể đưa ra những lý do chính đáng để thuyết phục cử tri Mỹ, ông Trump sẽ phải đối mặt với một nhiệm kỳ lãnh đạo không mấy suôn sẻ như trường hợp của cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy.
Từng đưa ra hàng loạt cam kết cải tổ trong chiến dịch tranh cử năm 2007, nhưng rốt cuộc chính quyền của ông Sarkozy chỉ thực hiện được một vài lời hứa trong số đó và tạo nên tâm lý bất mãn với cử tri Pháp.
Bình luận viên Sylvestre cho rằng nguyên nhân khiến chính quyền của ông Sarkozy thất bại trong kế hoạch cải cách đất nước phần lớn là bởi tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008-2009. Song các cố vấn và chiến lược gia của ông đã không thể tận dụng cơ hội nhằm giải thích cho dư luận hiểu rõ điều đó.
Trong cuộc bầu cử năm 2012, phần lớn cử tri Pháp bỏ phiếu cho ông Francois Hollande vì đã quá chán nản với chính quyền của ông Sarkozy, chứ không hẳn là bị thuyết phục bởi những kế hoạch của đương kim Tổng thống Pháp.
"Tổng thống đắc cử Mỹ sẽ phải đối mặt với hai kịch bản khác biệt trong tương lai, sự nghiệp chính trị của ông sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào sự khôn khéo và nhạy bén trong việc thuyết phục cử tri Mỹ, bất chấp những chính sách ông triển khai", Sylvestre nhấn mạnh.
Xem thêm: Thú nhận muộn màng của báo chí Mỹ sau khi Donald Trump chiến thắng
Nguyễn Hoàng