Theo quy định của luật pháp Mỹ, các ứng viên tổng thống phải đạt đủ đa số phiếu đại cử tri (ít nhất 270/538 phiếu) mới đủ điều kiện để trở thành chủ nhân Nhà Trắng. Trong cuộc bầu cử năm nay, nếu cả hai ứng viên Hillary Clinton và Donald Trump đều không nhận được sự ủng hộ lớn của công chúng, kịch bản không ứng viên nào giành đủ 270 phiếu đại cử tri cần thiết để đắc cử có thể xảy ra, theo ABC News.
Theo Bill Whalen, người từng làm việc cho một số chiến dịch tranh cử của các ứng viên đảng Cộng hòa, tỷ phú Donald Trump nhiều khả năng sẽ giành được 206 phiếu đại cử tri tại các bang có truyền thống ủng hộ đảng Cộng hòa. Nếu tiếp tục giành ưu thế tại hai bang chiến trường Florida và Ohio, ông có thể nâng con số này lên 253. Trump có thể tìm kiếm 17 phiếu cần thiết còn lại tại các bang như Michigan và Wisconsin.
Nếu như mọi việc đều suôn sẻ, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa có thể đắc cử với số phiếu đại cử tri hơn mức cần thiết chỉ một, hai phiếu. Tuy nhiên, hiện nay ứng viên độc lập Evan McMullin đang được đánh giá có khả năng giành toàn bộ 6 phiếu đại cử tri của bang Utah, nơi có truyền thống ủng hộ đảng Cộng hòa.
"Chúng tôi không thích Donald Trump, ông ta không thích hợp để trở thành Tổng thống Mỹ. Bà Clinton đang bị điều tra, nếu bà đắc cử sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng về thể chế", ông Whalen tuyên bố.
Trong trường hợp đó, cả bà Clinton lẫn ông Trump và các ứng viên độc lập khác đều không giành đủ 270 phiếu đại cử tri để đắc cử.
Khi kịch bản này xảy ra, nước Mỹ phải kích hoạt Tu chính án 12 của Hiến pháp, trao quyền cho Hạ viện lựa chọn tổng thống thứ 45 trong số 3 ứng viên đạt nhiều phiếu đại cử tri nhất. Lúc này, mỗi bang của nước Mỹ, không kể lớn nhỏ, sẽ chỉ có một phiếu bầu duy nhất.
Chẳng hạn, 53 đại biểu của bang California phải thống nhất bầu cho một ứng viên nào đó. Ứng viên tổng thống nào có đủ 26 phiếu bầu như vậy sẽ được bước vào Nhà Trắng.
Phó tổng thống sẽ do Thượng viện bầu trong số hai ứng viên phó tổng thống có số phiếu bầu cao nhất. Mỗi thượng nghị sĩ bỏ một lá phiếu cho ứng viên phó tổng thống mà mình ủng hộ.
Nếu Thượng viện bầu ra phó tổng thống khác so với lựa chọn ban đầu của tổng thống được Hạ viện bầu (chẳng hạn tổng thống của đảng Dân chủ song phó tổng thống lại là người của đảng Cộng hòa) thì hai nhà lãnh đạo này sẽ phải "sống chung". Viễn cảnh này được đánh giá là một tai họa cho nền chính trị Mỹ.
Nếu đến ngày tuyên thệ nhậm chức của tổng thống mới (dự kiến diễn ra vào 20/1/2017) mà Hạ viện vẫn chưa chọn ra được tổng thống thì phó tổng thống do Thượng viện bầu ra sẽ làm quyền tổng thống cho tới khi Hạ viện bầu được.
Nếu phó tổng thống cũng chưa được lựa chọn, chủ tịch Hạ viện đương chức được tạm quyền điều hành Nhà Trắng cho tới khi Quốc hội giải quyết được vấn đề.
Trong lịch sử bầu cử Mỹ, mới chỉ có duy nhất một lần Quốc hội phải ra tay lựa chọn tổng thống vào năm 1824. Theo kết quả bầu cử công bố ngày 1/12/1824, ứng viên Andrew Jackson của bang Tennesse giành được 99 phiếu đại cử tri, ứng viên John Quincy Adams, con trai của Tổng thống thứ hai của Mỹ John Adams có 84 phiếu và Ngoại trưởng William H. Crawford, người vừa bị đột quỵ trước bầu cử, giành được 41 phiếu đại cử tri.
Phải tới ba tháng sau bầu cử, tức tháng 2/1825, nhờ sự ủng hộ mang tính quyết định của nghị sĩ Henry Clay, cuộc bầu cử tổng thống mới có kết quả cuối cùng và John Quincy Adams được Hạ viện bầu làm ông chủ Nhà Trắng.
Xem thêm: Cuộc tranh cử khác thường nhất lịch sử Mỹ
Nguyễn Hoàng