Global Times, ấn phẩm thuộc People’s Daily của đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 15/8 cáo buộc Nhật Bản"không tôn trọng tự do đi lại trong vùng biển quốc tế".
Nếu Nhật Bản "muốn gây sự với Trung Quốc trên tuyến hàng hải ra Thái Bình Dương, vậy thì đừng trách Bắc Kinh hạn chế những tuyến đường của Tokyo trên Biển Đông", tờ báo đe dọa.
Lời lẽ này của Global Times được đưa ra sau khi báo chí Nhật đưa tin Tokyo phát triển tên lửa đất đối hải tầm xa 300 km để triển khai tới các đảo như Miyako vào năm 2023. Đảo Miyako chỉ cách quần đảo đang tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư 170 km, đồng thời án ngữ đường ra Thái Bình dương của Trung Quốc.
Global Times nói rằng Nhật đừng mong dùng tiêu chuẩn kép giữa "quân sự hóa Miyako và quân sự hóa quần đảo Nam Sa" (cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
"Đảo Miyako được quân sự hóa nên trở thành một mục tiêu của quân đội Trung Quốc, tức là có thể xem xét phá hủy những cơ sở trên đảo nếu xảy ra chiến tranh với Nhật Bản", tờ báo viết. "Tốt nhất là không để kịch bản này xảy ra".
Ashley Townshend, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Sydney, cũng là hội viên Trung tâm châu Á - Thái Bình Dương, Đại học Phục Đán, cho rằng hai việc trên là hoàn toàn khác nhau.
"Nơi Nhật Bản định quân sự hóa nằm trong lãnh thổ Nhật Bản và phù hợp với luật pháp quốc tế. Hành động của Trung Quốc diễn ra trên các thực thể có tranh chấp, nhiều thực thể bị mở rộng nhân tạo, và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế các nước Đông Nam Á khác", Townshend nhận định. "Điều đó khiến các hành động của Trung Quốc là phi pháp và khiêu khích, còn Nhật Bản thì không".
Căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc ngày càng nóng lên vì những tranh chấp lãnh thổ ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tokyo hồi đầu tháng cáo buộc Bắc Kinh nhiều lần đưa tàu vào khu vực nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư làm leo thang căng thẳng giữa hai nước.
Trên Biển Đông, Trung Quốc tuyên bố lãnh thổ phi pháp, chồng lấn vùng biển các nước Đông Nam Á. Nhật đang tích cực hỗ trợ các nước trong khu vực này tăng năng lực bảo đảm an ninh biển. Biển Đông là tuyến đường huyết mạch đối với hàng nhập khẩu vào Nhật, đặc biệt là năng lượng.
Xem thêm: Tờ báo 'diều hâu' gây nhiều tranh cãi của Trung Quốc
Như Tâm