"Việc Apple chấp thuận ứng dụng này rõ ràng đang giúp những kẻ gây rối. Điều này cho thấy phải chăng Apple có ý trở thành đồng phạm với những kẻ bạo loạn?", People's Daily, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc, viết trong bài xã luận hôm nay, đề cập tới HKmap.live, ứng dụng giúp người dùng Hong Kong xác định vị trí của cảnh sát.
People's Daily cảnh báo gã khổng lồ công nghệ Mỹ sẽ phải chịu hậu quả cho quyết định "không khôn ngoan và liều lĩnh" của mình, đồng thời khẳng định "ứng dụng này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm". Bài báo còn cho biết một bài hát ủng hộ "nền độc lập Hong Kong" đã xuất hiện trên cửa hàng âm nhạc của Apple và gọi đây là động thái đáng lo ngại.
"Không ai muốn kéo Apple vào tình trạng bất ổn kéo dài ở Hong Kong. Tuy nhiên mọi người có lý do để cho rằng Apple đang lẫn lộn giữa kinh doanh và chính trị, thậm chí còn có những hành vi bất hợp pháp. Apple phải nghĩ đến hậu quả của quyết định thiếu khôn ngoan và liều lĩnh của mình", bài xã luận cảnh báo.
Động thái của Apple cũng vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ trên Weibo, mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc. "Chắc chắn không phải vô tình khi Apple chấp thuận HKmap.live", một tài khoản Weibo bình luận. "Apple nên biết chính xác những gì họ đang làm. Có vẻ Apple đang chịu quá ít áp lực trong nước", bình luận khác cho hay.
Trước đó, Apple đã cố né tránh bất ổn Hong Kong khi từ chối HKmap.live hai lần liên tiếp vào ngày 21/9 và 2/10. Tập đoàn công nghệ giải thích với nhà phát triển ứng dụng rằng HKmap.live đang tạo điều kiện và khuyến khích hoạt động bất hợp pháp khi cho phép người dùng trốn tránh quan chức thực thi pháp luật.
Tuy nhiên người sáng lập HKmap.live khẳng định ứng dụng chỉ chia sẻ thông tin từ người dùng về những khu vực đang xảy ra rắc rối để đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người. Apple được cho là chấp thuận ứng dụng sau khi vấp phải phản ứng dữ dội.
Hiện gã khổng lồ công nghệ Mỹ chưa lên tiếng về cáo buộc của People's Daily.
Trước Apple, rất nhiều thương hiệu quốc tế như Amazon, Versace và Calvin Klein, đã khiến người Trung Quốc phẫn nộ vì các vấn đề chính trị ở quốc gia này. Nhiều người nổi tiếng ở đại lục đã cắt hợp đồng với một số nhãn hiệu quốc tế, sau khi người dùng mạng xã hội chỉ ra việc các thương hiệu trên có hành vi ám chỉ Hong Kong và Đài Loan tách biệt với Trung Quốc.
Biểu tình Hong Kong bùng phát từ đầu tháng 6 để phản đối dự luật dẫn độ cho phép đưa nghi phạm sang xét xử tại những khu vực tài phán mà đặc khu chưa có hiệp ước dẫn độ, bao gồm Trung Quốc đại lục. Trưởng đặc khu Carrie Lam đã xoa dịu người biểu tình bằng việc tuyên bố rút dự luật song đa số vẫn không hài lòng và cho rằng quyết định của bà Lam là quá muộn màng cũng như không đáp ứng yêu cầu khác của họ.
Kể từ khi biểu tình nổ ra, Bắc Kinh đưa ra những tuyên bố cứng rắn trên truyền thông nhà nước về chủ quyền đất nước, cũng như kiên định lập trường đối với người biểu tình. Truyền thông Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo người biểu tình cũng như cáo buộc các thế lực nước ngoài gây ra tình trạng bất ổn ở đặc khu.
Ngọc Ánh (Theo AFP/Forbes)