"Chúng tôi là bạn thân suốt nhiều năm. Sức khỏe của anh ấy tốt và không có bệnh tật gì. Vì vậy, không ai ngờ tình trạng của anh ấy xấu đi nhanh chóng và trở nên nghiêm trọng đến vậy", Song Jianxin, đồng nghiệp của ông Lin Zhengbin tại Bệnh viện Tongji, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, cho biết hôm 10/2.
Lin, 62 tuổi, là một bác sĩ danh tiếng với 30 năm kinh nghiệm thực hiện các ca ghép thận, được đồng nghiệp và bạn bè mô tả là người hòa nhã và ít nói. Ông qua đời chưa đầy một tháng kể từ khi phát hiện nhiễm chủng virus corona mới (nCoV).
Song, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Tongji, cho biết Lin nhắn tin đề nghị ông giúp đỡ sau khi được chuyển vào phòng chăm sóc đặc biệt, nhưng lúc đó bác sĩ 62 tuổi đã quá yếu và phải thở oxy.
Theo một bác sĩ giấu tên, Lin có thể nhiễm nCoV trong đợt kiểm tra sức khỏe tại khoa ngoại trú đông đúc. "Trung tâm kiểm tra nằm cùng tầng với khoa nhi vô cùng đông đúc. Nhiều người đến và đi, trong khi các biện pháp cách ly lúc đó chưa được áp dụng", người này cho hay.
Chính quyền Trung Quốc không công bố có bao nhiêu nhân viên y tế mắc bệnh viêm phổi cấp, nhưng nhiều người được cho là đã nhiễm nCoV. Theo bài viết của nhóm bác sĩ tại Vũ Hán đăng trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ hôm 7/2, 40 y bác sĩ cùng bệnh viện đã nhiễm nCoV từ các bệnh nhân trong tháng một.
Bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng, một trong những người đầu tiên cảnh báo về nCoV, cũng qua đời hôm 6/2 vì nCoV. Cái chết của bác sĩ 34 tuổi khiến công chúng tức giận và cho rằng chính quyền nợ anh một lời xin lỗi.
Dịch viêm phổi cấp do nCoV khởi phát từ thành phố Vũ Hán và đến nay đã lan rộng 26 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, khiến hơn 43.000 người lây nhiễm và 1.018 người thiệt mạng. Chính quyền Vũ Hán đã tiếp tục siết lệnh phong tỏa, yêu cầu giám sát chặt chẽ hơn những tòa nhà có trường hợp nhiễm virus.
Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm nay công bố tên gọi chính thức cho dịch viêm phổi do nCoV là Covid-19, đồng thời cho biết vaccine đầu tiên để điều trị Covid-19 có thể được đưa vào sử dụng trong khoảng 18 tháng tới.
Ánh Ngọc (Theo Washington Post)