"Trong số 40 y bác sĩ bị nhiễm bệnh, 31 người làm việc tại các phòng bệnh, 7 người thuộc khoa cấp cứu và hai người thuộc khoa điều trị tích cực", theo bài viết của các bác sĩ tại Bệnh viện Trung Nam của Đại học Vũ Hán đăng trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA) ngày 7/2.
Một bệnh nhân được đưa vào khoa phẫu thuật được cho là lây nCoV cho 10 nhân viên y tế chăm sóc cho người này. 17 bệnh nhân nhập viện vì lý do khác sau đó được phát hiện dương tính với nCoV. 138 bệnh nhân bị nhiễm nCoV ngày 1-28/1, trong đó số ca lây chéo trong bệnh viện chiếm 41%.
Nghiên cứu được công bố vài giờ sau khi Lý Văn Lượng, một trong 8 bác sĩ đầu tiên cảnh báo về nCoV, qua đời ngày 6/2. Bác sĩ Lý Văn Lượng, 34 tuổi, bị lây nCoV khi điều trị cho một bệnh nhân và nhập viện ngày 8/1. Trung Quốc hôm qua mở cuộc điều tra về cái chết của bác sĩ.
Ví dụ về bệnh nhân được cho là lây nCoV cho 10 y bác sĩ khác nhấn mạnh mối nguy hiểm cao tại các bệnh viện trong giai đoạn đầu bùng phát dịch.
"Nếu đúng, điều này cho thấy một số bệnh nhân có khả năng lây bệnh cao hơn nhiều những người khác. Điều này gây ra nhiều khó khăn hơn trong kiểm soát các ca nhiễm", theo chuyên gia sức khỏe toàn cầu Michael Head thuộc Đại học Southampton.
Ngoài nguy cơ cao nhiễm nCoV, các y bác sĩ tại Hồ Bắc đang đối mặt với tình trạng căng thẳng và thiếu dụng cụ bảo vệ, lãnh đạo tỉnh thừa nhận ngày 6/2. Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc sáng nay cho biết tỉnh này có 24.953 ca nhiễm nCoV và 699 ca tử vong.
Dịch viêm phổi cấp do nCoV khởi phát từ Vũ Hán vào tháng 12/2019, sau đó phát tán ra toàn bộ 31 tỉnh thành của Trung Quốc. Dịch xuất hiện tại 26 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, khiến hơn 34.000 người nhiễm bệnh, 723 ca tử vong tại Trung Quốc lục, một ca ở Hong Kong và một ca tại Philippines, tính đến ngày 8/2.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)