Theo phóng sự của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), kế hoạch cải cách sẽ được thực hiện trên các lĩnh vực ở Thâm Quyến bao gồm pháp lý, tài chính, y tế và xã hội. Trung Quốc kỳ vọng thành phố nằm ngay sát Hong Kong, vốn được xem như thủ phủ công nghệ cao của nước này sẽ là mô hình cho các thành phố khác của Trung Quốc cũng như trên thế giới, học tập.
"Thâm Quyến sẽ trở thành một kiểu mẫu về phát triển chất lượng cao, ví dụ điển hình về luật pháp cũng như văn minh, trật tự, sự hài lòng của xã hội và tính bền vững trong phát triển", phóng sự của CCTV có đoạn.
Phóng sự cũng nhấn mạnh mục tiêu của thành phố này là trở thành địa phương tiên phong về đổi mới, dịch vụ công và bảo vệ môi trường vào năm 2025. Đến năm 2035, nó được kỳ vọng sẽ đạt tầm thế giới về kinh tế toàn diện, hướng đến tiêu chuẩn toàn cầu về tính cạnh tranh, đổi mới và ảnh hưởng vào giữa thế kỷ.
Các tổ chức quốc tế và công ty lớn sẽ được khuyến khích thành lập các chi nhánh hoặc trụ sở ở Thâm Quyến. Địa phương này sẽ được ủy quyền, cho phép linh hoạt về mặt luật pháp, các quy định và pháp lệnh dựa trên nhu cầu cải cách, đổi mới.
Nội dung phóng sự cho hay, dưới đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Thâm Quyến được phép thay đổi cả về chính trị. Bắc Kinh kỳ vọng sự thay đổi này sẽ giúp mở rộng thêm các thành phần tham gia chính trị.
Đặc biệt, kế hoạch của Bắc Kinh tập trung vào việc phối hợp giữa Thâm Quyến với hai đặc khu hành chính Hong Kong, Macau và 8 thành phố khác ở Quảng Đông trong kế hoạch mang tên "Khu vực Vịnh Lớn". Đây là kế hoạch được Bắc Kinh công bố hồi tháng hai, nhằm biến 11 thành phố của trung Quốc thành một khu vực siêu cường kinh tế, trong đó Hong Kong, Macau, Thâm Quyến và Quảng Châu được xác định là 4 trụ cột.
Trung Quốc mong muốn điều này sẽ góp phần thúc đẩy kết nối giữa thị trường tài chính Thâm Quyến với Hong Kong và Macau, đồng thời mở rộng các quy định tài chính, danh mục sản phẩm có sẵn để tăng cường giao dịch trái phiếu và ngoại hối.
Kế hoạch nhấn mạnh rằng trung tâm dữ liệu của "Vịnh Lớn" sẽ được đặt tại Thâm Quyến. Người Hong Kong sống và làm việc tại Thâm Quyến sẽ được cấp quyền lưu trú. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động giao lưu văn hóa mới sẽ được triển khai nhằm tăng cường sự gắn kết giữa Thẩm Quyến với Hong Kong và Macau.
Phóng sự của CCTV về "thành phố kiểu mẫu" Thâm Quyến được đưa ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình nhằm phản đối dự luật dẫn độ sửa đổi ở Hong Kong bước sang tuần thứ 11 liên tiếp. Các cuộc biểu tình kéo dài cùng với đụng độ leo thang khiến nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi về việc Bắc Kinh liệu có thể "giáng cấp" vị thế của Hong Kong trong kế hoạch "Vịnh Lớn" hay không.
Guoa Wanda, Phó chủ tịch Viện phát triển Trung Quốc, trụ sở tại Thâm Quyến cho biết thành phố đã và đang nghiên cứu cải cách trong các lĩnh vực kinh tế khác nhau. Ông Guo cũng lưu ý phóng sự của CCTV đề cập tới môi trường kinh doanh hợp pháp và đòi hỏi kế hoạch phát triển phải tập trung vào việc xây dựng một thành phố thượng tôn pháp luật.
Khi kế hoạch phát triển Thâm Quyến lần đầu được đưa ra cuối tháng 7, nhiều nhà phân tích nhận định Bắc Kinh đang muốn tăng cường vai trò của Thâm Quyến ở khu vực Vịnh Lớn, đồng thời thay đổi các chính sách với Hong Kong và hướng tới sự phát triển của các thành phố khác ở Trung Quốc đại lục, nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực.
Mai Lâm (Theo SCMP)