"Những hành động của Iran là sự vi phạm không thể chấp nhận được đối với các quy tắc quốc tế. Họ thể hiện thái độ hoàn toàn coi thường cam kết của chính mình về tàu dầu Adrian Darya 1", Ngoại trưởng Raab cho biết trong thông báo hôm qua.
Tàu Adrian Darya 1 có tên cũ là Grace 1, bị cảnh sát biển và thủy quân lục chiến Anh bắt ngoài khơi lãnh thổ Gibraltar hồi đầu tháng 7 với cáo buộc chở dầu tới Syria, vi phạm lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu. Gibraltar thả tàu vào ngày 15/8, sau khi nhận được cam kết bằng văn bản từ Iran rằng con tàu sẽ không bán 2,1 triệu thùng dầu cho Syria. Tuy nhiên, Iran sau đó tuyên bố không đưa ra cam kết nào như vậy.
Ngoại trưởng Raab cho rằng việc Iran bán dầu cho chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad là một phần trong kế hoạch hành động của Tehran nhằm "phá hoại an ninh khu vực", nói thêm rằng Anh sẽ nêu vấn đề tại Liên Hợp Quốc vào cuối tháng 9.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi hôm 8/9 cho biết tàu Adrian Darya 1 đã dỡ toàn bộ số dầu mang theo tại một cảng ở Địa Trung Hải, nhưng không nêu địa điểm cụ thể. Trước đó, Tehran thông báo đã bán hết dầu trên tàu, nhưng không tiết lộ bên mua.
Adrian Darya 1 chở theo 2,1 triệu thùng dầu tắt thiết bị phát đáp từ ngày 2/9, khiến các tổ chức theo dõi hàng hải quốc tế không nắm được hải trình của con tàu. Công ty Công nghệ Vũ trụ Mỹ Maxar Technologies Inc hôm 7/9 cho biết các thiết bị vệ tinh chụp được hình ảnh "siêu tàu dầu" ở rất gần cảng Tartus, Syria.
Mỹ coi mọi sự trợ giúp dành cho Adrian Darya 1 là hành vi hỗ trợ Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, tổ chức bị Washington liệt vào danh sách các nhóm khủng bố. Bộ Ngoại giao Mỹ còn cảnh báo bất kỳ hoạt động chuyển dầu nào tới Syria của siêu tàu dầu này đều bị quy vào tội "tài trợ khủng bố".
Ánh Ngọc (Theo Reuters)